TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 28/8: KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 4, NHIỆM KỲ KHOÁ XV
DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH HỘI NGHỊ ĐBQH HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG TRÌNH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV
Kính thưa đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
Thưa các đồng chí lãnh đạo, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Thưa các vị đại biểu Quốc hội và các vị khách quý,
Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội, quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chương trình công tác năm 2023, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, hôm nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, Quốc hội khóa XV. Nội dung của cuộc họp lần này nhằm để thảo luận, cho ý kiến về một số dự án luật dự kiến trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 6.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý đã đến dự phiên khai mạc hội nghị.
Kính thưa Hội nghị,
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức thành công 3 hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; tiếp thu được nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các vị đại biểu Quốc hội; góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết; góp phần để Quốc hội xem xét thông qua với tỷ lệ đồng thuận, thống nhất rất cao. Đầu nhiệm kỳ đến nay các dự án luật và nghị quyết có tính quy phạm pháp luật của chúng ta đều được thông qua với tỷ lệ thống nhất cao, trong đó có hoạt động rất sôi nổi, rất hiệu quả của Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Hội nghị đại biểu chuyên trách lần thứ 4 của nhiệm kỳ khóa XV sẽ xem xét, cho ý kiến về 8 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp sắp tới, bao gồm Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị.
Sau kỳ họp thứ 5 các cơ quan của Quốc hội đã tích cực nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia, cơ quan và tổ chức có liên quan, khẩn trương phối hợp với Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật và đến nay các dự án luật này cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 7 và tháng 8 năm nay. Riêng dự án Luật Các luật tổ chức tín dụng (sửa đổi) dự kiến cũng sẽ trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách hôm nay, nhưng qua kỳ họp thứ 5 chúng ta thấy đây là một dự án luật rất khó, nhiều nội dung còn phải tiếp tục được cả Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, chưa trình được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho nên dự kiến dự án luật này sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp thường kỳ tháng 9. Sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc lấy ý kiến thêm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vào thời gian và bằng hình thức phù hợp. Rất tiếc chúng ta dự kiến là thời gian 3 ngày và có xem xét cả dự án luật này, nhưng hiện nay việc tiếp thu, hoàn thiện theo dõi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chưa đạt được yêu cầu cho nên còn tiếp tục phải chuẩn bị, do đó lùi một kỳ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đây là hội nghị đại biểu chuyên trách cho ý kiến về số lượng các dự án luật nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay và cũng là những dự án luật rất quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và đại biểu Quốc hội, có nhiều quy định mới, đối tượng chịu ảnh hưởng rộng, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, nhất là ý kiến giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo, đặc biệt trong đó còn dự án luật rất quan trọng đó là dự án Luật Đất đai nên cần tiếp tục được cân nhắc, thảo luận một cách kỹ lưỡng. Tham gia cuộc họp lần này, ngoài các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cũng giống như các cuộc họp trước là có thêm một số đại biểu không phải là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhưng cũng đã đăng ký tham dự một cách rất chủ động để góp thêm đóng góp của bản thân mình đối với quá trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, chúng tôi hết sức hoan nghênh các đồng chí.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã mời đại diện Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan, lãnh đạo các ban, bộ, ngành và một số dự án luật có mời thêm một số lãnh đạo và đại diện lãnh đạo một số tổ chức nghề nghiệp có liên quan trực tiếp đến các dự án luật. Ví dụ như dự án Luật Đất đai, dự án Luật Kinh doanh bất động sản và dự án Luật Nhà ở,... có mời thêm một số chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các tổ chức nghề nghiệp trực tiếp tham gia thêm trong hội nghị này.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu dự Hội nghị.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin gợi mở và nhấn mạnh một số vấn đề sau đây, mong các vị đại biểu quan tâm. Như chúng ta đều biết các dự án luật này đều đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và trước đó thì cũng đã có nhiều quy trình để chúng ta góp phần nâng cao dự án luật theo phương châm từ sớm, từ xa và có phối hợp rất chặt chẽ. Riêng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chúng ta đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại 2 kỳ, kỳ họp thứ 4 và kỳ họp thứ 5, đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi với trên 12 triệu lượt góp ý của Nhân dân trong khắp cả nước và đã được báo cáo quá trình này cũng như tiếp thu, chỉnh lý tại kỳ họp thứ 5. 8 dự án luật này, kể cả dự án Luật Đất đai theo kế hoạch dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét và quyết định trong kỳ họp cuối năm. Vì vậy, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các đại biểu tham gia tập trung rà soát và cho ý kiến đối với một số vấn đề quan trọng sau đây:
Thứ nhất, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho biết các dự án luật này đã quán triệt, thể chế hóa đầy đủ và đúng đắn các chủ trương của Đảng, là những vấn đề cơ sở chính trị đối với từng lĩnh vực liên quan hay chưa. Đặc biệt, đối với dự án Luật Đất đai chúng ta có nhiều chủ trương của Đảng qua các kỳ đại hội, trực tiếp là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương đã bàn bạc và đã ban hành nghị quyết làm cơ sở chính trị rất quan trọng cho việc xây dựng dự án luật này, đó là Nghị quyết 18. Tôi muốn lưu ý vấn đề này vì quá trình đầu tiên khi chúng ta xây dựng pháp luật hay nhắc đến vấn đề cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý. Nhưng qua thảo luận đôi khi chúng ta chỉ tập trung vào những vấn đề thứ yếu, không rà soát lại những vấn đề đại sự, lần này chúng ta bấm nút thông qua nên phải rà soát lại việc này.
Thứ hai, đề nghị đại biểu Quốc hội xem xét việc thể hiện của các dự thảo luật cho đến nay đã bám sát các nhóm chính sách lớn, các định hướng, nguyên tắc, yêu cầu khi xây dựng các dự án luật này hay chưa. Vấn đề thứ hai cũng rất đại sự. Đương nhiên, trong quá trình xây dựng các luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2020 cũng cho phép trong quá trình chúng ta xây dựng pháp luật nếu có phát sinh những chính sách mới chúng ta vẫn có quyền nghiên cứu, tiếp thu. Nhưng quan trọng nhất là những chính sách lúc đầu chúng ta đặt ra và những quá trình chính sách chúng ta dự kiến hoàn thiện trong quá trình xây dựng pháp luật đã thể hiện đủ hay chưa.
Đối những đề xuất mới đã có đánh giá tác động một cách đầy đủ đối với những vấn đề chúng ta đề xuất hay chưa. Đây là vấn đề rất đại sự nên trước khi trình Quốc hội và xem xét thông qua báo cáo đồng chí Chủ tịch nước, các đồng chí lãnh đạo Thường vụ Quốc hội cũng đã chủ động gửi cho 2 cơ quan những bản cuối cùng, đó là đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chức năng giám sát, phản biện xã hội, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân trong quá trình xây dựng pháp luật và một cơ quan trọng nữa đó là VCCI, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là đại diện cho giới doanh nghiệp, doanh nhân, người ta soi lại một lần nữa các dự án luật này như thế nào, mặc dù những quy trình này chưa được quy định trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhưng từ đầu nhiệm kỳ đến nay thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và VCCI rất có trách nhiệm đối với việc này. Những bản cuối cùng trước khi trình Quốc hội thông qua thì đều có gửi xin ý kiến, nếu không là tam sao thất bản, cứ qua một số thời gian nó lại khác đi, không đúng với lúc đầu chúng ta dự kiến và nếu có khác đi cũng phải được lý giải một cách rất thuyết phục, đánh giá một cách rất kỹ lưỡng.
Quang cảnh Hội nghị.
Thứ ba, tính hợp hiến và sự thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là các dự án luật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong kỳ họp này có luật rất quan trọng, đặc biệt quan trọng đó là dự án Luật Đất đai (sửa đổi), chi phối rất nhiều vấn đề và cũng phải đặt vấn đề sửa đổi rất nhiều các dự án luật khác liên quan đến dự án luật này mà ngay trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi), kỳ thứ 5 chúng ta đã thống nhất quan điểm này, không chờ đến khi luật này ban hành xong mới đi làm một luật sửa đổi một số luật khác. Có khác là những dự án luật cần phải sửa có liên quan dự án Luật Đất đai thì cũng đưa vào sửa tại kỳ họp này luôn, đặc biệt là một số các nội dung liên quan đến dự án Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản hoặc kỳ thứ 5 vừa rồi thông qua Luật Đấu thầu chẳng hạn thì cũng đều liên quan rất chặt chẽ đến dự án Luật Đất đai này. Chúng ta phải căn cứ xem nó phù hợp với Hiến pháp hay chưa, tính hợp hiến, hợp pháp và tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật của chúng ta.
Thứ tư, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm cho ý kiến đối với những vấn đề lớn và những vấn đề quan trọng đối với từng dự án luật. Về kỹ thuật lập pháp thì sau này còn nhiều khâu lắm, trước khi ký chứng thực là Quốc hội thông qua ký chứng thực rồi trình Chủ tịch nước ký lệnh ban hành, còn nhiều khâu về kỹ thuật lập pháp, chỉnh sửa câu chữ, nhưng đại cục của nó là những vấn đề quan trọng và những vấn đề lớn, không có vấn đề nào chúng ta bỏ qua cả, hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách giúp cho Quốc hội nói chung đối với những vấn đề lớn và những vấn đề đặc biệt quan trọng trong các dự án luật.
Thứ năm, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau, một là khác nhau giữa cơ quan chủ trì thẩm tra với cơ quan soạn thảo, hai là khác nhau trong từng đơn vị của cơ quan chủ trì soạn thảo với các cơ quan của Quốc hội, kể cả về tên gọi một số dự án luật đến bây giờ vẫn chưa có sự đồng thuận. Ví dụ như Luật Căn cước công dân khởi thủy đầu tiên là Luật Căn cước công dân, các đồng chí nhớ Luật Hợp tác xã đến phút bù giờ rồi chúng ta vẫn phải trình Quốc hội xem xét, lựa chọn có đổi tên luật theo đề nghị của Chính phủ hay không, cuối cùng Quốc hội vẫn quyết định giữ lại tên Luật Hợp tác xã như trước đây như trong chương trình xây dựng pháp luật ban đầu. Thậm chí ý kiến rất trái ngược nên chúng ta cũng phải nghiên cứu, phân tích, tính toán lựa chọn phương án tốt nhất, đương nhiên phương án nào cũng có mặt, ưu điểm, nhược điểm và có lý sự của nó, chúng ta cân nhắc để chọn phương án tốt nhất.
Một nội dung nữa là về kỹ thuật, lập pháp cụ thể, nội dung các chương, điều, khoản cần được tiếp tục chỉnh lý và hoàn thiện, đặc biệt là những chương, những điều, những khoản liên quan đến những vấn đề lớn, quan trọng, những nội dung còn có ý kiến khác nhau.
Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội trong hội nghị này đặc biệt quan tâm đến những quy định về điều khoản áp dụng pháp luật, thường là chúng ta ít để ý việc này và điều khoản chuyển tiếp. Nếu điều khoản chuyển tiếp mà không đầy đủ, không rõ ràng thì luật ban hành xong vẫn còn những ách tắc, bất cập. Đặc biệt là điều khoản áp dụng nếu không khéo cũng dễ bị sai lệch trong quá trình thực hiện luật. Chúng ta rà soát lại về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, chất lượng của hệ thống pháp luật đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế của Việt Nam hay không và rà soát lại toàn bộ các quy trình cho đến nay về cả nội dung, cách thức và quy trình có vấn đề nào cần phải tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, rút kinh nghiệm, đặc biệt là một vấn đề là không được để cho những quy phạm pháp luật sơ hở, có thể tạo ra những tham nhũng, tiêu cực gây ra những gây thất thoát hoặc là những ách tắc hoặc là chỉ tìm cách kéo thuận lợi về cho cơ quan quản lý nhà nước mà đẩy không thuận, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là chúng ta phải thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng trong văn kiện đã nêu là vấn đề nghiêm cấm, chống được việc tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng pháp luật, xem điều khoản nào kéo về cho bộ mình tạo ra cơ chế xin không đúng đắn, có vấn đề cài cắm trong vấn đề này không, chúng ta phải phát hiện chuyện này.
Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng ngay trong Quốc hội cũng phải nghiêm chuyện này, trước khi quyết định xem xét thông qua và tất cả những nội dung khác mà các đại biểu thấy quan tâm thì chúng tôi cũng rất mong tham gia ý kiến và Thường vụ Quốc hội cũng tiếp tục lắng nghe để có hoàn thiện, các cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan soạn thảo, cơ quan, tổ chức hữu quan để tiếp tục trình với Thường vụ Quốc hội cho ý kiến có hoàn thiện, tổ chức hoàn thiện thẩm tra sơ bộ, thẩm tra toàn bộ có báo cáo tiếp thu, hoàn thiện tốt nhất để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 6 này theo tinh thần không có một ý kiến nào của đại biểu Quốc hội không được nghiên cứu, tiếp thu và giải trình một cách thỏa đáng, có những dự án luật chúng ta thông qua có một số nội dung các đồng chí thấy chỉ có một số đại biểu Quốc hội vẫn còn có ý kiến thôi. Chúng ta vẫn kiên trì cho đến cùng, đôi khi đến đoạn chính một số ý kiến đó tuy là thiểu số nhưng cuối cùng lại được Quốc hội thống nhất và đồng thuận rất cao, nên quy trình xây dựng pháp luật phải hết sức kỹ lưỡng, chúng tôi cũng đề nghị với tinh thần như vậy.
Các đại biểu dự Hội nghị.
Kính thưa hội nghị,
Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của chúng ta dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày để cho ý kiến về 8 dự án luật. Để bảo đảm hội nghị được tiến hành hiệu quả, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và đất nước, tham gia đầy đủ các phiên họp, tranh thủ tối đa thời gian để nghiên cứu, trao đổi, tranh luận, phản biện với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, nhằm đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc về các dự thảo. Tôi hy vọng với bề dày kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, các chuyên gia, các đại biểu sẽ tham gia ý kiến sâu sắc, tâm huyết về các vấn đề của dự thảo luật cũng như những vấn đề thực tiễn đặt ra để tiếp tục hoàn thiện đảm bảo chất lượng cao nhất các dự án luật trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Với tinh thần đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.