CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: CHÚ TRỌNG HẬU KIỂM TRONG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

14/08/2023

Theo chương trình phiên họp thứ 25, sáng 14/8, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng quản lý tài nguyên nước theo hướng có giấy phép là cần thiết nhưng cần chú trọng hơn đến hậu kiểm cần có quy định về các tiêu chuẩn, quy chuẩn để toàn dân cùng tham gia vào quản lý, khai thác, bảo vệ, sử dụng, các doanh nghiệp cũng chủ động thực hiện.

UBTVQH THỐNG NHẤT KHÔNG BỔ SUNG NƯỚC KHOÁNG VÀ NƯỚC NÓNG THIÊN NHIÊN TRONG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: PHIÊN HỌP THỨ 25 CỦA UBTVQH SẼ XEM XÉT CHO Ý KIẾN, QUYẾT ĐỊNH KHỐI LƯỢNG LỚN CÔNG VIỆC VỚI QUY TRÌNH KỸ LƯỠNG CHẶT CHẼ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại phiên họp thứ 25

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác nghiên cứu, tiếp thu của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải rà soát lại các điều khoản quy định chi tiết để luật hóa những nội dung có thể luật hóa được, tránh hết sức việc quy định để kéo quyền hạn về hết các Bộ nhưng cuối cùng không làm được lại gây ảnh hưởng đến các nơi khác. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải chống lợi ích nhóm, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, cho nên phải rà soát lại, hạn chế những quy định mang tính “xin – cho” liên quan đến giấy phép…Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đối với điều khoản chuyển tiếp phải rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm quy định theo hướng có đủ thời gian thực hiện chuyển tiếp, tránh xung đột về pháp luật và tránh phải đi xử lý những việc vướng mắc, khó khăn ở những dự án cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, một trong những quan điểm lớn của Đảng từ Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay là phải kinh tế hóa ngành tài nguyên, môi trường. Tuy nhiên, thực tế nội dung này làm được rất ít. Nước là một loại tài nguyên cho nên trong dự án Luật này phải bám sát cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong việc quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tán thành với việc nước nóng, nước khoáng thiên nhiên đã được điều chỉnh trong Luật Khoáng sản, đến nay không có gì vướng mắc. Do đó, không bổ sung 2 loại nước này trong phạm vi điều chỉnh của Luật để tránh xáo trộn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Về Chương I, những quy định chung, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc, bổ sung thêm khái niệm là nước thải; cân nhắc lại tên của Điều 3 nếu chỉ là “nguyên tắc quản lý tài nguyên nước” liệu có bảo đảm thể hiện đầy đủ nội dung của luật vừa nói đến vấn đề quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra. Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề có nên quy định về phổ biến giáo dục tài nguyên nước hay trách nhiệm các cơ quan cụ thể trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong Luật này trong khi đã có Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật rồi.

Về Chương II, điều tra cơ bản chiến lược quy hoạch tài nguyên nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định rõ việc lấy ý kiến của đối tượng đang khai thác, sử dụng nguồn nước trong trường hợp quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông có làm thay đổi quyền sử dụng nước. Quy định rõ hơn về cơ chế, điều kiện sử dụng ngân sách để các tổ chức, cá nhân có thể cập nhật thông tin kết quả điều tra vào hệ thống tài nguyên nước chung, trách nhiệm của bộ, ngành trong sử dụng kết quả điều tra tài nguyên nước.

Về Chương III, bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung một điều mang tính nguyên tắc về bảo vệ nước mặt. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng thực tiễn tại Hà Nội tất cả nguồn nước sinh hoạt và các nhà máy nước đuề sử dụng nước mặt nhưng khi yêu cầu đặt thêm các trạm quan trắc nước mặt thì vướng việc không có biên chế, không được phép bổ sung thêm kinh phí. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề nguồn nước mặt quan trọng như vậy nhưng lại không có quan trắc, không có bảo vệ, luật không có quy định về vấn đề này để có định biên, bố trí cán bộ theo dõi.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, dự thảo Luật chủ yếu quản lý bằng giấy phép. Các giấy phép cũng quan trọng nhưng đây là vấn đề tiền kiểm. Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên chăng phải tăng thêm các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để quản lý, để hậu kiểm. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quản lý phải bằng tiêu chuẩn, quy trình để cho các đối tượng tự giác tổ chức thực hiện. Nhất là trong lĩnh vực tài nguyên nước, rất rộng. Bộ Tài nguyên, ngành tài nguyên, Chính phủ, các cơ quan từ trung ương đến địa phương không thể trông coi được hết. Do đó, phải bằng một quy chuẩn, tiêu chuẩn để tất cả mọi người dân cùng tham gia vào vấn đề quản lý, khai thác, bảo vệ, sử dụng. Chủ tịch Quốc hội gợi ý Bộ Tài nguyên và Môi trường nên có phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn để quản lý.

Về Chương IV, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc khái niệm “khai thác” và “sử dụng”, bên cạnh số ít các trường hợp khai thác và sử dụng gắn với nhau, phần lớn các chủ thể, đối tượng của “sử dụng” và “khai thác” là khác nhua nên nếu quy định chung là sẽ không rõ ràng và không phù hợp.

Đối với nước sạch nông thôn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại các địa phương, chủ yếu là các dự án, công trình khai thác, phân phối, sử dụng nước sạch nông thôn là do đầu tư tư nhân hoặc hợp tác công tư hoặc Nhà nước hỗ trợ tiền thuê đất và mặt bằng, đất sạch để giảm được chi phí cho giá nước. Nhà nước không thể đi xây dựng các nhà máy nước tập trung. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan lưu ý để có quy định phù hợp để làm cơ sở cho việc thực hiện những dự án đầu tư khai thác, sử dụng nước sạch ở nông thôn. Theo đó, ngoài hệ thống cung cấp, quản lý, sử dụng nước tập trung thì vẫn có mô hình phân tán là những dự án nước sạch cục bộ, những trạm cung cấp và xử lý nước quy mô nhỏ để điều hòa, phân phối và bổ trợ cho những hệ thống này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Về sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bảo đảm yêu cầu sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo tuần hoàn nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị chỉnh lý Khoản 2 Điều 65 dự thảo Luật theo hướng là các hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, xây dựng công trình khai thác cát, đá sỏi và khai thác khoáng sản khác trên sông, hồ, hành lang bảo vệ nguồn nước, gây tác động đến lòng, bờ, bãi sông, hồ và chức năng bảo vệ hành lang nguồn nước đều phải thực hiện đánh giá tác động và có phương án bảo vệ phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi, hồ, hành lang bảo vệ nguồn nước.

Bày tỏ băn khoăn về các quy định tại Chương VIII về trách nhiệm quản lý nhà nước tài nguyên nước, Chủ tịch Quốc hội cho rằng quy định như dự thảo là loại bỏ hết trách nhiệm của cấp tỉnh, dồn nhiều trách nhiệm cho cấp xã, cấp huyện. Trong khi với điều kiện nhân lực và nguồn lực ngân sách của cấp xã như hiện nay thì liệu có đảm bảo tính khả thi hay không, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề. Do đó cần phải xem xét lại các quy định này để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.

Ghi nhận dự thảo Luật được nghiên cứu tiếp thu chỉnh lý đến nay đảm bảo chất lượng tương đối tốt. Tuy nhiên không vì thể mà chủ quan mà cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng của dự thảo Luật. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục xin ý kiến đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Bảo Yến

Các bài viết khác