Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, ĐBQH, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Quân báo cáo với cử tri về dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV và một số hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang từ sau Kỳ họp thứ Hai đến nay.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc Hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi tiếp xúc
Về công tác lập pháp, tại Kỳ họp thứ Ba tới, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật gồm: dự án Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và 4 dự thảo Nghị quyết gồm: Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Đồng thời, xem xét, cho ý kiến 6 dự án luật, gồm: dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); cùng các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tiếp xúc cử tri tại huyện Châu Thành A
Từ sau Kỳ họp thứ Hai đến nay, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức để thẩm tra các dự án luật; tham gia Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về một số dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba. Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia… vào các dự thảo luật trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Ba. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thực hiện tốt các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện chức năng giám sát tại địa phương. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát 4 chuyên đề trên địa bàn Hậu Giang, tham gia cùng các Đoàn giám sát, khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; tiếp nhận 27 đơn khiếu nại, phản ánh của công dân và đã giải thích, hướng dẫn 18 đơn, chuyển đến các cơ quan chức năng theo thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định 8 đơn, xếp lưu một đơn do trùng lắp nội dung.
Cử tri bày tỏ vui mừng, đánh giá cao chất lượng các hoạt động và những quyết đáp cũng như sự quan tâm sâu sát của Quốc hội đến đời sống của cử tri và nhân dân cả nước, trong đó có cử tri và nhân dân tỉnh Hậu Giang; các kiến nghị, vướng mắc của cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh đều được chỉ đạo xử lý nghiêm túc, hiệu quả.
Cử tri nêu một số kiến nghị về hệ thống đường giao thông, đoạn đi qua địa phương, như xem xét nâng cấp Quốc lộ 61C, giải quyết một số vướng mắc, bất cập trên Quốc lộ 1A ảnh hưởng đến đời sống người dân... Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét có chế độ cấp bảo hiểm y tế đối với đảng viên 30 năm tuổi đảng; tăng cường quản lý, giám sát đối với một số mặt hàng thiết yếu, như giá phân bón, giá xăng dầu để bà con yên tâm hơn trong sản xuất... Đề nghị phải xử lý nghiêm tệ nạn hàng giả, hàng kém chất lượng; cần có chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo bị suy giảm khả năng lao động do mắc Covid-19...
Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin với cử tri về những đổi mới của Quốc hội Khóa XV, như tổ chức họp trực tiếp kết hợp trực tuyến, tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ nhất để xem xét những vấn đề cấp bách; đổi mới công tác dân nguyện của Quốc hội... Quốc hội cũng tiếp tục cải tiến, đổi mới cách thức chất vấn như giảm thời gian đặt câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn; đổi mới về tổ chức thực hiện trong công tác dự kiến chương trình, chuẩn bị nội dung cũng như các điều kiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả các kỳ họp của Quốc hội. Điều đó tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, thể hiện rõ đại biểu Quốc hội là người đại diện của Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Thông báo về những thành quả phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I.2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước và là mức vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 91 nghìn lượt người và Việt Nam hiện là một trong 6 quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao nhất trên thế giới.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng ghi nhận những thay đổi của tỉnh Hậu Giang về kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội và đô thị đang phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ; hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường; nội dung và phương thức hoạt động của mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đã có nhiều đổi mới; các lĩnh vực văn hóa- xã hội, giáo dục, khoa học - công nghệ, y tế tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực và đạt kết quả tốt; an ninh, chính trị, trật tự - an toàn xã hội được giữ vững; quốc phòng, quân sự địa phương và hoạt động đối ngoại được tăng cường, mở rộng.
Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị lãnh đạo tỉnh Hậu Giang quan tâm, giải quyết những vấn đề thuộc trách nhiệm của địa phương; yêu cầu Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tổng hợp đầy đủ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc Hội Trần Thanh Mẫn thăm hỏi cử tri tại buổi tiếp xúc
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Hậu Giang cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Tận dụng cơ hội có 3 tuyến cao tốc đi ngang địa phương đó là: Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề (Sóc Trăng); cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Hậu Giang cần đẩy mạnh hơn việc kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực, như bất động sản, công nghiệp, các khu, cụm công nghiệp, phát triển về du lịch cũng như khâu chế biến sản phẩm nông sản của Hậu Giang. Kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án không có khả năng giải ngân để điều chuyển cho các dự án có tỷ lệ giải ngân cao, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tập trung cho đầu tư cho phát triển, quan tâm đến hộ nghèo và hộ cận nghèo, thường xuyên chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, tỉnh phải nắm bắt đầy đủ, toàn diện, sâu sắc những tác động, thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, người dân, của từng huyện, xã; tập trung cao độ để phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và chủ động phòng, chống dịch. Trong quá trình phát triển, tỉnh phải sâu sát với huyện, huyện phải sâu sát với xã, xã phải sâu sát với ấp, tập trung cao độ trong sản xuất kinh doanh, xác định rõ việc trồng cây gì, nuôi con gì để tăng hiệu quả, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.