Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu dự hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ
Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Thường trực HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Thường trực HĐND 11 tỉnh, thành phố và Ban Công tác đại biểu trong quá trình chuẩn bị hội nghị. Qua báo cáo chung và các tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá, nhiều tỉnh, thành phố có đổi mới, sáng tạo, hoạt động thiết thực như: mở rộng đối tượng chất vấn, tăng cường thời gian chất vấn như thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh; đổi mới chất vấn theo hướng “hỏi nhanh - đáp gọn” như tỉnh Bắc Ninh; tăng cường khảo sát thực tế để thu nhận được nhiều thông tin, phản biện các báo cáo thẩm tra trình kỳ họp như tỉnh Hải Dương; đổi mới cách thức thẩm tra, thảo luận, biểu quyết nghị quyết như tỉnh Vĩnh Phúc...
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố cần xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình; đồng thời phải bám sát nội dung các văn kiện Đại hội Đảng các cấp để thực hiện tốt 9 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 19 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trong đó, để nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, việc lựa chọn nội dung, chương trình, chuẩn bị các báo cáo thẩm tra là khâu then chốt, rất quan trọng. Nội dung trình HĐND xem xét, quyết định phải bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp, giải quyết những vấn đề cử tri và dư luận quan tâm. Bên cạnh đó, HĐND cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình, làm rõ những nội dung còn có ý kiến khác nhau. Chủ tọa kỳ họp phải linh hoạt, dân chủ; trình bày báo cáo tóm tắt tại kỳ họp để tiết kiệm thời gian. Người chất vấn và người được chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, đúng thẩm quyền, nêu được nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý, HĐND các cấp cần tổ chức giám sát đối với 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022 đạt kết quả cao nhất; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri; đôn đốc, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, mỗi đại biểu HĐND cần thường xuyên nghiên cứu, nâng cao trình độ, kỹ năng để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; thể hiện rõ quan điểm, chính kiến và đề xuất các giải pháp. Cùng với đó, cần chú trọng tuyên truyền trước, trong và sau mỗi kỳ họp, nhất là các phiên thảo luận tại Hội trường, cần tiếp tục duy trì hình thức phát thanh, truyền hình trực tiếp để cán bộ, cử tri, nhân dân theo dõi, giám sát.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại hội nghị
Phát biểu đề dẫn hội nghị, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận tập trung vào 6 nội dung trọng tâm gồm: bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy đối với hoạt động của HĐND; vai trò của Thường trực Hội đồng nhân dân trong việc chuẩn bị kỳ họp HĐND; tổ chức thực hiện tốt các hoạt động tại kỳ họp; vai trò của đại biểu HĐND trong kỳ họp; nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết kỳ họp; phát huy vai trò của các phương tiện thông tin tuyên truyền trước, trong và sau kỳ họp.
Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động bao gồm toàn bộ các lĩnh vực hoạt động của HĐND nhằm tiếp tục đổi mới phương thức và tổ chức thực hiện hoạt động của HĐND; làm rõ những hạn chế, bất cập, những bài học kinh nghiệm, những cách làm hay, sáng tạo, đột phá và đề xuất các giải pháp từ thực tiễn và kinh nghiệm hoạt động của các địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, những kết quả quan trọng mà Ninh Bình đạt được trong thời gian qua có phần đóng góp đặc biệt quan trọng của HĐND các cấp. Nội dung và phương thức hoạt động của HĐND không ngừng được đổi mới. Hoạt động chất vấn đi vào thực chất, tập trung vào những vấn đề còn nhiều hạn chế, vướng mắc, được cử tri và nhân dân quan tâm. Hoạt động giám sát được đẩy mạnh với hình thức đa dạng. Chất lượng ban hành chính sách được nâng cao, tập trung tháo gỡ những vấn đề quan trọng cấp bách một cách thiết thực, hiệu quả làm cơ sở pháp lý, tiền đề quan trọng cho hoạt động điều hành phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho rằng, Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ lần này là cơ hội để Ninh Bình được học hỏi, trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn, của các tỉnh bạn trong thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND tại địa phương, tăng cường mối quan hệ gắn bó, liên kết với các tỉnh, thành phố trong khu vực, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Tại hội nghị, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực: hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND; công tác thông tin, tuyên truyền về các kỳ họp HĐND tỉnh, hoạt động HĐND tỉnh; hoạt động giám sát tại kỳ họp HĐND; lựa chọn nội dung xây dựng và ban hành nghị quyết…