PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: CẦN CÓ CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ BẢO ĐẢM AN TOÀN, SỨC KHỎE CHO GIÁO VIÊN VÀ NGƯỜI HỌC KHI MỞ CỬA TRƯỜNG HỌC

25/02/2022

Chiều 25/02, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Phiên giải trình thứ 2 về nội dung: “Dạy học trong bối cảnh Covid-19”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự và chỉ đạo Phiên giải trình.


Tham dự Phiên giải trình có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Thường trực Ủy ban; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các vị đại biểu Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ; đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan...

Phát biểu tại Phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao việc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Phiên giải trình Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và vấn đề dạy học trong bối cảnh COVID-19. Trên cơ sở khảo sát thực tiễn, làm việc với các Bộ, ngành, tọa đàm tham vấn chuyên gia, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã xây dựng Báo cáo kết quả khảo sát, đặt ra nhiều vấn đề mà học sinh, phụ huynh, Quốc hội và cử tri quan tâm, cũng là các vấn đề lớn mà Chính phủ và các địa phương đang tập trung chỉ đạo.


Toàn cảnh Phiên giải trình thứ 2 về nội dung: “Dạy học trong bối cảnh Covid-19”.

Hơn 2 năm qua, dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới các mặt đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành Giáo dục. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải điều chỉnh; gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp; hơn 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn. Việc học sinh phải ở nhà kéo dài, không có sự giao lưu, tiếp xúc trực tiếp đã ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, sự phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện của trẻ em, học sinh, đặc biệt là sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần. Bên cạnh đó, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh gặp rất nhiều khó khăn cả về đời sống và trong hoạt động học tập: trẻ em mất đi môi trường lành mạnh để phát triển kiến thức, thể chất và tinh thần. Đối với đa số học sinh, trường học là nơi thiết yếu để các em có thể giao lưu với các bạn cùng lứa tuổi, được hỗ trợ, tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc khuyến cáo việc đóng cửa các trường học đã tạo ra một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn cho trẻ em. Ngoài sự chậm trễ trong việc học hành, nhiều trẻ em phải chịu sự cô lập xã hội và mức độ lo lắng tăng cao, thậm chí phải tiếp xúc với lạm dụng và bạo lực; một số nơi, việc đóng cửa trường học đã dẫn đến học sinh bỏ học, đi làm và kết hôn sớm.

Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ ngành đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt trong triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện mở cửa trường học an toàn, thích ứng với thực tiễn. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch năm học, linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập, vừa bảo đảm sức khoẻ, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng giáo dục của từng cấp học, chương trình đào tạo. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tiêm chủng cho học sinh các cấp sau khi cơ quan chuyên môn có hướng dẫn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dưới 18 tuổi. Bộ Y tế cấp bổ sung và tiêm vaccine cho tất cả giáo viên các cấp học theo quy định; quán triệt, thông tin, truyền thông trong toàn ngành, tới các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh nêu cao tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mỗi người" “tất cả vì tương lai con em chúng ta”...


Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên giải trình.

Tuy nhiên, việc mở cửa trường học trong bối cảnh hiện nay đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết, đặc biệt là yêu cầu bảo đảm an toàn sức khỏe cho thầy cô giáo, các em học sinh và bảo đảm chất lượng giáo dục. Trong khuôn khổ thời gian 1 buổi chiều nay, Phiên giải trình sẽ tập trung vào 2 nhóm vấn đề bảo đảm an toàn khi mở cửa trường học và bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch COVID-19. Trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn, trách nhiệm cao, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu đặt vấn đề, trao đổi tập trung vào đúng chủ đề của Phiên giải trình. Cụ thể là cần làm rõ các nội dung như sau:

Thứ nhất: Đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ ngành đối với vấn đề dạy học trong bối cảnh COVID-19; việc triển khai chương trình phục hồi kinh tế nói chung, chính sách hỗ trợ ngành Giáo dục nói riêng theo  tinh thần Nghị quyết số 43 của Quốc hội khoá 15.

Thứ hai: Đối với viêc thực hiện chủ trương mở cửa trường học, đề nghị làm rõ những khó khăn, thách thức đang đặt ra; các giải pháp để bảo đảm an toàn, sức khỏe cho đội ngũ nhà giáo và người học, nhất là đối với những trẻ em, học sinh dưới 12 tuổi, chưa tiêm vắc xin.

Thứ ba: Nhìn nhận, đánh giá kết quả của việc triển khai cùng lúc các phương thức dạy học, nhất là phương thức dạy học trực tuyến; từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục và sự phát triển toàn diện cho học sinh, sinh viên.

Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan trả lời trọng tâm, cụ thể, sát thực vào các câu hỏi của các đại biểu, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm; đồng thời đưa ra được các giải pháp, đề xuất, kiến nghị đối với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức, địa phương nhằm bảo đảm an toàn khi mở cửa trường học và bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch COVID-19. Thời gian kết thúc năm học 2021-2022 chỉ còn 3 tháng nữa, còn nhiều vấn đề học sinh, phụ huynh học sinh quan tâm như: việc thi, kiểm tra đánh giá sao cho phù hợp với thực tế hiện nay; yêu cầu xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; hoàn thiện và thực hiện ổn định các phương thức đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo; vấn đề công bằng trong tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền, giữa các nhóm học sinh. Vấn đề chất lượng đội ngũ, chất lượng sách giáo khoa; tiến độ chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dạy học; vấn đề an toàn cho học sinh trên môi trường mạng.

Cùng với các nội dung tại Phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, đề nghị Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục hoàn thiện Kết luận Phiên giải trình, gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Cổng TTĐT Quốc hội sẽ tiếp tục thông tin chi tiết Phiên Giải trình về nội dung này./.

Bích Lan-Nghĩa Đức

Các bài viết khác