Tham dự cuộc làm việc còn có Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm và đại diện lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội. Về phía Ủy ban Dân tộc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng các cán bộ, nhân viên của Ủy ban.
Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho biết, năm 2021, Ủy ban Dân tộc được giao nhiệm vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 07 chương trình, đề án, chính sách dân tộc. Đến nay, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 05 để án; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện 02 đề án, dự kiến trình trong quý Inăm 2022. Bên cạnh việc xây dựng các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2021, Ủy ban Dân tộc triển khai xây dựng các Thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm.
Nhờ có sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của người dân, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã có bước phát triển rõ rệt, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, thu nhập được nâng lên, đời sống không ngừng cải thiện, hộ nghèo giảm khá nhanh, giáo dục, y tế được quan tâm; văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp cũng từng bước được bảo tồn và phát huy; trật tự an toàn được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được tăng cường và củng cố.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, năm 2022, Ủy ban Dân tộc tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc; Tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, định kỳ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chương trình; Tập trung xây dựng các đề án, chính sách dân tộc trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2022 đảm bảo chất lượng và tiến độ; Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc, thay thế Nghị định số 13/2017/NĐ-CP ngày 10/2/2017; Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phương án phân bổ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và năm 2022; Hoàn thiện dự thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Ban hành quy chế hoạt động của Tổ công tác; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Chương trình đúng tiến độ, hiệu quả; Tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình trên địa bàn vùng DTTS&MN, kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là các điểm nóng về an ninh trật tự, tình hình thiên tai, dịch bệnh, môi trường,... giải quyết những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục thực hiện phương án sắp xếp cơ cấu tổ chức các vụ, đơn vị thuộc Uỷ ban Dân tộc theo quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ; Tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19; Tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS&MN và cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương; Thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 | theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế; Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công vụ. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; Thực hiện tốt các Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2025 đã ký với các bộ, ngành:
Thay mặt Hội đồng Dân tộc, Chủ tịch Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh: Trước tình hình thế giới và trong nước, chúng ta có thể thấy rằng, năm 2022 và những năm tiếp theo đặt ra nhiều thách thức cho cả nước nói chung và vùng DTTS nói riêng; dịch bệnh tiếp tục còn diễn biến phức tạp, tác động ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Đời sống của người dân tiếp tục đối mặt với với nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, thời gian tới, Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc cần bám sát sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, phối hợp thực hiện một số nội dung trọng tâm. Đó là khẩn trương hoàn thành các thủ tục, ban hành các văn bản theo quy định để triển khai thực hiện, giải ngân 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030. Đánh giá một cách khách quan, khoa học về những tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến đời sống của người DTTS và việc thực hiện chính sách dân tộc; Khẩn trương nắm bắt đời sống của người dân tộc thiểu số đang gặp rất nhiều khó khăn khi trở về từ vùng dịch; người dân bị tác động trực tiếp từ đại dịch để có chính sách hỗ trợ ngay, kịp thời giải quyết khó khăn. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc nhằm điều chỉnh toàn diện, đầy đủ các chính sách dân tộc, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về dân tộc và chính sách dân tộc, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Xây dựng Đề án về danh mục thành phần, tên gọi các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng Đề án về tiêu chí và thực hiện phân định miền núi, vùng cao theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phối hợp tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về hoạch định chính sách, xây dựng cơ chế, bảo đảm điều kiện thực thi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030 và các chính sách thực hiện vùng DTTS&MN. Trong giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, Hội đồng Dân tộc có vai trò chủ trì, giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 và 120 của Quốc hội.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại cuộc làm việc.
Thường trực Hội đồng Dân tộc, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho các cơ quan chuyên môn, các vụ, đơn vị của hai cơ quan phối hợp công tác, trao đổi kinh nghiệm hoạt động; bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo kịp thời, chính xác. Hàng năm, hai bên xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể, chi tiết để tổ chức triển khai thực hiện.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ vui mừng khi đến thăm, làm việc với Ủy ban Dân tộc và gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, người lao động của Ủy ban.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Tại kỳ họp bất thường lần thứ Nhất diễn ra tháng 01/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy, cả hệ thống chính trị vừa vui xuân, song vẫn không quên nhiệm vụ, tập trung cao độ cho công cuộc phục hồi và phát triển đất nước sau đại dịch.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Uỷ ban Dân tộc đã thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực dân tộc. Giai đoạn 2016-2020, vùng đồng bào dân tộc có những chuyển biến quan trọng trong phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 7%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm; các huyện nghèo giảm 4 - 5%, có nơi giảm trên 5%; tỷ lệ hộ cận nghèo toàn vùng giảm 1,2%; đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; có 1.052 xã (chiếm 22,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, có 27 huyện (chiếm 6%) đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác quốc phòng, an ninh luôn được củng cố và tăng cường, chủ động phát hiện, giải quyết kịp thời các vụ việc, không để xảy ra các “điểm nóng” về an ninh, trật tự trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đánh giá cao việc Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ủy ban đã tổ chức tốt các hoạt động thăm hỏi, động viên, chúc Tết đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng, miền; chăm lo đời sống, vật chất, cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ủy ban…..
Đề cập phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ mà Ủy ban Dân tộc đã xác định, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, vẫn còn những hạn chế, như: So với mặt bằng chung của cả nước, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thuộc diện khó khăn nhất. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tái nghèo còn cao; khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội còn thấp; tình trạng di cư tự phát chưa được giải quyết hiệu quả; cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số nhiều nơi chưa đạt tỷ lệ theo quy định; hủ tục mê tín dị đoan ở một số nơi chậm được khắc phục; còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự...
Để khắc phục những hạn chế trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, Ủy ban Dân tộc cần phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, quyết tâm thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019, của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới”; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc.
Ủy ban Dân tộc cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc nhằm điều chỉnh toàn diện, đầy đủ các chính sách dân tộc, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về dân tộc và chính sách dân tộc. Bên cạnh đó là xây dựng Đề án về danh mục thành phần, tên gọi các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng Đề án về tiêu chí và thực hiện phân định miền núi, vùng cao theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục, ban hành văn bản theo quy định để triển khai thực hiện, giải ngân 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc với Ủy ban Dân tộc.
Với tinh thần là Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ, Hội đồng Dân tộc đồng hành cùng Ủy ban Dân tộc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Dân tộc lưu ý một số nhiệm vụ:
Thứ nhất, tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, tham mưu công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả thiết thực. Cùng với đó là thực hiện Giám sát công tác triển khai thực hiện, giám sát việc chấp hành Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương.
Thứ hai, Chính phủ đã giao cho Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì phối hợp và giao trách nhiệm rõ ràng cho 19 Bộ và cơ quan ngang Bộ, trách nhiệm của các tỉnh, thành phố. Cần đối chiếu, bám sát mục tiêu của Nghị quyết 88 đã đề ra đến năm 2025, trên cơ sở đó có kế hoạch từng năm, 3 năm, 5 năm để theo quy định sau khi sơ kết 5 năm sẽ hoạch định cho giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, Ủy ban phải nêu được cụ thể những việc đã làm, khó khăn vướng mắc; thực trạng, nguyên nhân chủ quan, khách quan và đề xuất sửa đổi, bổ sung, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Thứ ba, phải nhìn nhận chương trình này trong tổng thể các Chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện đầy đủ, hiệu quả 10 giải pháp trong Nghị quyết của Quốc hội; vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc và 19 Bộ và cơ quan ngang Bộ trong Nghị quyết của Chính phủ.
Thứ tư, công tác dân tộc và chính sách dân tộc là quá trình thực hiện lâu dài, liên tục, kiên trì, phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị. Vì vậy phải chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội.
Thứ năm, mục tiêu là người dân thực sự được hưởng các quyền lợi từ Chương trình, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào các dân tộc để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội tăng cường phối hợp với Ủy ban Dân tộc trong công tác dân tộc, nhất là Hội đồng Dân tộc có vai trò chủ trì, giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 và 120 của Quốc hội. Theo đó, cần nhanh chóng nắm bắt đời sống của người dân tộc thiểu số đang gặp khó khăn khi trở về từ vùng dịch; người dân bị tác động trực tiếp từ đại dịch để có chính sách hỗ trợ ngay, kịp thời giải quyết khó khăn; Nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ triển khai các giải pháp tạo việc làm, đào tạo và đào tạo lại cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để họ yên tâm lao động sản xuất phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, gắn bó với quê hương; Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về công tác y tế, dân số, đặc biệt là về bảo hiểm y tế, kiến nghị các địa phương trong việc cân đối ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng cho một số đối tượng như hộ gia đình cận nghèo, học sinh sinh viên, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, ưu tiên các đối tượng không thuộc diện được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế từ ngân sách Nhà nước theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống tệ nạn và tội phạm ma túy; Rà soát, có kế hoạch dạy nghề, tạo việc làm ổn định, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Quan tâm đến công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sau cai nghiện; phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản trong công tác đấu tranh, phòng, chống ma túy, kiên quyết xoá bỏ các hủ tục lạc hậu.
Ngoài ra, Uỷ ban Dân tộc cần chú trọng xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nhất là ở những vùng trọng điểm, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù trong việc chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; không để xảy ra các “điểm nóng” phức tạp về an ninh, trật tự, nhất là các địa bàn chiến lược xung yếu như vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và tây duyên hải miền Trung.
Cũng tại cuộc làm việc, các đại biểu cũng đã cho ý kiến về việc phát triển kinh tế, các giá trị văn hóa; khắc phục những khó khăn cho bà con vùng đồng bào DTTS&MN để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.../.
** Một số hình ảnh tại cuộc làm việc của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn với Ủy ban Dân tộc:
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu.
Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh đóng góp ý kiến.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc.
Đại diện cho Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh tặng quà cho Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng tranh cho Ủy ban Dân tộc.