
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương gặp mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La các thời kỳ thực hiện chương trình "về nguồn"
Tham dự cuộc gặp mặt có: Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry và Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn.
Về phía Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La có: đồng chí Hoàng Thị Đôi - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Sơn La; đồng chí Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; các Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách và các ĐBQH tỉnh Sơn La từ khóa IX đến khóa XV; lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh các khóa.
Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La đã và đang có nhiều đóng góp tích cực

Toàn cảnh cuộc gặp mặt
Vui mừng chào đón Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La các thời kỳ thực hiện chương trình “Về nguồn”, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, cuộc gặp mặt này có ý nghĩa hết sức đặc biệt vì chỉ còn hơn 8 tháng nữa, Quốc hội sẽ tổ chức kỉ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam. Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La các thời kỳ là Đoàn ĐBQH đầu tiên trên toàn quốc thực hiện chương trình "Về nguồn" rất thiết thực nhằm hướng tới ngày kỉ niệm quan trọng này. Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn, kết quả chương trình “Về nguồn” này sẽ giúp lan tỏa tới Đoàn ĐBQH các thời kỳ ở các tỉnh, thành phố khác tiếp nối thực hiện chương trình ý nghĩa này.
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trải qua 80 năm xây dựng và phát triển, Quốc hội đã không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong các mặt công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Trong chặng đường đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La đã và đang có những đóng góp tích cực.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc gặp mặt
Nhấn mạnh Sơn La là trung tâm chính trị của vùng Tây Bắc, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Sơn La cũng là địa phương trên tuyến phòng thủ chiến lược hướng Tây của Tổ quốc, là cái nôi của văn hóa Tây Bắc gắn liền với lịch sử cách mạng; đồng thời có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh.
“Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sơn La đã đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội. Bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt”, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ.
Dẫn chứng một số kết quả nổi bật của tỉnh Sơn La, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2024, Sơn La đã hoàn thành và vượt 25/28 chỉ tiêu. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 6,3% so với năm trước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng mạnh. Thu ngân sách đạt trên 22 nghìn tỷ đồng, đầu tư công giải ngân ước đạt 91,23%. Các chương trình mục tiêu quốc gia đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4-5%, 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đã hỗ trợ xây dựng 1.156 căn nhà cho hộ nghèo và và cận nghèo. Hạ tầng y tế, giáo dục, giao thông, viễn thông được đầu tư đồng bộ.
“Riêng 2 tháng đầu năm 2025, kinh tế Sơn La tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 57,5%, xuất khẩu tăng hơn 47%. Cơ cấu kinh tế với thế mạnh là kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp trong nông nghiệp”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Trước đó, báo cáo khái quát với Phó Chủ tịch Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La, đại biểu Hoàng Thị Đôi - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La cho biết, trong thời gian qua bên cạnh những khó khăn nhất định, Sơn La đã có bước phát triển đột phá, vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội. Đó là kết quả của nhiều năm cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng chính quyền. Trong đó, có sự tham gia đóng góp tích cực các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Đoàn ĐBQH và các sở ban ngành của tỉnh.
Kỳ vọng chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian tới
Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ Sơn La phát triển bền vững, điển hình là đã bố trí vốn đầu tư trên 4 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 cho tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, ban hành Nghị quyết số 111/2023/QH15 với nhiều cơ chế linh hoạt, thúc đẩy phân cấp, phân quyền cho địa phương trong quản lý, điều hành; phân bổ gần 4 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương cho tỉnh thực hiện dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, góp phần kết nối vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội, thúc đẩy phát triển du lịch, logistics và giao thương hàng hóa.

ĐBQH tỉnh Sơn La các thời kỳ tham dự cuộc gặp mặt
Nhấn mạnh Sơn La đã chuyển mình mạnh mẽ, nhất là từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và khóa XV trở lại đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tin tưởng, với các chính sách nêu trên cùng với sự đoàn kết, khát vọng vươn lên, Sơn La sẽ có bước chuyển mình trong thời gian tới.
“Tôi hy vọng thời gian tới Sơn La sẽ phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao với phát triển du lịch, phát triển kinh tế dưới tán rừng, tín chỉ các-bon, bảo vệ khoanh nuôi, di dân tái định cư, đời sống của người dân được nâng lên. Các kết quả đạt được cho thấy Sơn La có bước chuyển mình mạnh mẽ trong các khóa gần đây và hứa hẹn sẽ phát triển hơn nữa trong năm 2025 và những năm tiếp theo”, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với các ĐBQH tỉnh Sơn La các thời kỳ.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thẳng thắn nhìn nhận, Sơn La còn nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế, hạ tầng, xã hội và môi trường. Kinh tế có bước chuyển biến nhưng tính bền vững chưa cao, chưa có khu công nghiệp lớn; chất lượng nguồn nhân lực, trình độ dân trí phát triển chưa đồng đều giữa các vùng trong tỉnh; đối diện với nguy cơ biến đổi khí hậu như sạt lở đất, lũ ống, lũ quét… Điều này đòi hỏi Sơn La cần có sự đồng lòng, quyết liệt hơn nữa trong hành động để tháo gỡ khó khăn, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Tập trung các vấn đề cốt lõi để tạo bứt phá
Để Sơn La bứt phá trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần tập trung vào một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, nhiệm vụ công tác đã đề ra; trọng tâm là: (1) cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị nhưng phải tạo dư địa để phát triển, đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả; (2) cuộc cách mạng hoàn thiện thể chế, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết liên quan; (3) cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành đột phá trong nhiệm kỳ tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc gặp mặt
Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn ĐBQH các thời kỳ, đại biểu HĐND các thời kỳ tham gia đóng góp các ý kiến xác đáng cho 03 cuộc cách mạng này để thiết kế các chủ trương, chính sách, chiến lược nói chung và các chính sách cụ thể của tỉnh Sơn La nói riêng.
Cùng với đó, cần tích cực thực hiện tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân; tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ để không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của các cơ quan hành chính trong quá trình sắp xếp. “Cần kiểm soát chặt chẽ tình hình, đổi mới nhưng phải ổn định, tăng cường quốc phòng - an ninh và đối ngoại; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, phát sinh điểm nóng phức tạp”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân, các cơ quan địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Trong đó, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, cập nhật dữ liệu liên quan đến bầu cử, đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền bảo đảm dễ hiểu, dễ tiếp cận, phù hợp với từng đối tượng….

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tặng quà lưu niệm Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La các thời kỳ
Thứ ba, cần bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Đảng trong các văn kiện trình Đại hội XIV để Sơn La tham gia thiết kế văn kiện của cấp mình, chương trình hành động của địa phương năm 2025 và nhiệm kỳ 2026 - 2031.
“Trong đó có các chủ trương lớn và tư duy đổi mới, đó là lấy phát triển để ổn định và ổn định để phát triển nhanh, bền vững. Đây cũng là đột phá trong tư duy; Sơn La phải xác lập lại mô hình tăng trưởng mới bằng cách nghiên cứu các thế mạnh (như chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, lịch sử truyền thống cách mạng), thấy được lợi thế và khó khăn của mình để xác lập mô hình tăng trưởng mới. Đồng thời lấy kinh tế nông nghiệp làm động lực quan trọng nhất. Đây là sự vận dụng đúng đắn quy luật kinh tế thị trường định hướng XHCN”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trao đổi với Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La các thời kỳ tại sảnh Nhà Quốc hội
Cho rằng trước đây đột phá về thể chế, đột phá về hạ tầng, đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian tới, Sơn La cần tạo đột phá về khoa học công nghề, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây chính là đột phá quan trọng để tạo sự bứt phá.
Thứ tư, Sơn La cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, tập trung tổng kết 03 CTMTQG và triển khai thêm 2 Chương trình mới về phát triển văn hóa và phòng chống ma túy. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần lấy tính mục đích của các Chương trình này đặt lên hàng đầu, còn cách làm nên giao cho địa phương triển khai thực hiện, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, thời gian tới cần tập trung phát triển giáo dục - đào tạo; phát triển y tế cơ sở và y tế cộng đồng nhằm nâng cao việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chụp ảnh lưu niệm với Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La các thời kỳ
Dự kiến Kỳ họp thứ 9 sẽ khai mạc sớm, ngay từ đầu tháng 5, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Chương trình Kỳ họp rất nặng nề, thời gian dài nhất, dự kiến khoảng 2 tháng, khối lượng công việc rất lớn, trong đó sửa đổi các luật liên quan đến Hiến pháp, sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, cho phương án bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031; thông qua 11 luật và cho ý kiến 16 luật mới, chưa tính những luật, nghị quyết phát sinh, bổ sung.
Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thế hệ đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La nói chung và Đoàn ĐBQH các tỉnh nói riêng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của Quốc hội trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời mong muốn, các thế hệ ĐBQH tiếp tục giữ vững tinh thần trách nhiệm, lan tỏa ngọn lửa cống hiến, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển chung của Sơn La và đất nước.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc gặp mặt:

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc gặp mặt



ĐBQH tỉnh Sơn La các thời kỳ tham dự cuộc gặp mặt

Đại biểu Hoàng Thị Đôi - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La báo cáo khái quát một số nét về tình hình kinh tế - xã hội của Sơn La



Đại diện Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội tham dự cuộc gặp mặt

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La Hoàng Văn Chất phát biểu


Các đại biểu tham dự cuộc gặp mặt

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tặng quà lưu niệm Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La các thời kỳ

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry tặng quà lưu niệm Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La các thời kỳ

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn tặng quà lưu niệm Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La các thời kỳ


Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tặng quà lưu niệm Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La các thời kỳ

Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La tặng quà Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương


Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trao đổi với Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La các thời kỳ tại sảnh Nhà Quốc hội