CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ CHỦ TRÌ BUỔI LÀM VIỆC VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN CỦA DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)

17/02/2023

Để chuẩn bị nội dung Luật Hợp tác xã (sửa đổi) báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 3 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, sáng 17/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc giữa các cơ quan về một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng thời khẳng định trong quá trình thảo luận, tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng các ý kiến khác nhau nhưng các cơ quan cũng cần thể hiện rõ quan điểm, chính kiến để có cơ sở xem xét, quyết định.

THỂ CHẾ HÓA NGHỊ QUYẾT 20-NQ/TW TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ HỢP TÁC XÃ

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: NHIỀU NỘI DUNG ĐƯỢC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH TẠI PHIÊN HỌP THỨ 20 ĐẠT KẾT QUẢ VƯỢT NGOÀI MONG ĐỢI

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc để cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Cùng dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, các Phó Chủ nhiệm, Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Đại diện lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy; Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng; Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo và đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, theo đề nghị của Thường trực Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang họp với các cơ quan để nghe và cho ý kiến về một số vấn đề lớn và còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu buổi làm việc

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được các cơ quan chuẩn bị khá công phu. Quá trình thảo luận nhận được sự quan tâm đông đảo của các vị đại biểu Quốc hội. Nêu rõ, đây là dự án Luật có tác động lớn đến các hợp tác xã nông nghiệp, công thương, xây dựng, giao thông vận tải, hợp tác xã tín dụng, các tổ hợp tác,…sâu rộng trong cả nước. Đây là thành phần kinh tế quan trọng, gắn chặt với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nhất là phát triển về nông nghiệp, cả về xây dựng nông thôn mới, củng cố thành phần kinh tế hợp tác ở mọi miền của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, buổi làm việc lần này tiếp tục thể hiện tinh thần từ sớm, từ xa và chủ động, không chờ đến ngày trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chính thức mà trong quá trình làm nếu thấy cần thiết lãnh đạo Quốc hội phụ trách sẽ nghe và cho ý kiến sơ bộ để có cơ sở tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện các nội dung theo quy trình. Dự kiến dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2023 trước khi trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) tới.

Các đại biểu dự buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã có báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Theo đó, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Qua rà soát, có một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan.

Cụ thể, về tên gọi của dự án Luật. Hiện có hai phương án. Phương án 1 là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Phương án 2 là Luật Hợp tác xã. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là nội dung cần được quyết định sớm để có thể tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật do tên gọi ảnh hưởng tới nhiều nội dung, thậm chí cả kết cấu của dự thảo Luật. Trường hợp để 2 phương án về tên gọi của dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5 - 6/2023) là không khả thi bởi phải cùng lúc hoàn thiện 2 dự thảo Luật khác nhau với rất nhiều nội dung, trong khi quỹ thời gian từ nay đến khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 không còn nhiều.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Theo đó, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Về Liên đoàn Hợp tác xã, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị chưa luật hóa các nội dung liên quan đến Liên đoàn Hợp tác xã tại dự thảo Luật lần này, việc luật hóa sẽ xem xét điều chỉnh sau khi thực hiện nghiên cứu xây dựng thí điểm một số Liên đoàn Hợp tác xã theo đúng chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW. Qua rà soát, các cơ quan đều thống nhất về việc cần thiết nghiên cứu, xây dựng các quy định để thí điểm mô hình Liên đoàn Hợp tác xã nhưng còn ý kiến khác nhau về việc có hay không quy định về Liên đoàn Hợp tác xã tại dự thảo Luật lần này.

Về tổ chức đại diện, Liên minh Hợp tác xã, nhiều ý kiến cho rằng quy định tại dự thảo Luật về vai trò, trách nhiệm của hệ thống Liên minh Hợp tác xã còn khá mờ nhạt trong khi thực tế tại nước ta hiện đang tồn tại hệ thống Liên minh Hợp tác xã gồm Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ở Trung ương và Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh đang được giao các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể. Do đó, đề nghị giữ nguyên các quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012 đối với hệ thống Liên minh Hợp tác xã, đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định tăng cường hơn vai trò, quyền của Liên minh Hợp tác xã từ Trung ương đến địa phương với các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động theo đúng chủ trương được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW. Ngoài ra, các cơ quan đã rà soát và thống nhất về nội dung liên quan đến hoạt động tín dụng nội bộ của hợp tác xã và kiểm toán hợp tác xã.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc thảo luận cho ý kiến và tiến hành các bước làm trước là cần thiết để nâng cao chất lượng của các dự án luật trước khi trình Quốc hội. Về nguyên tắc, thẩm quyền quyết định là của Quốc hội và các cơ quan phải có trách nhiệm chuẩn bị các nội dung. Trong đó với vai trò của mình, cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội có quyền nêu những chính kiến và những kiến nghị của mình đối với các dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là trong những trường hợp còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tôn trọng các ý kiến khác nhau đó và các ý kiến đều được đề cập. Song cơ quan thẩm tra có thẩm quyền và trách nhiệm phải nói rõ quan điểm của mình nghiêng về ý kiến nào với đầy đủ lập luận, lí lẽ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có căn cứ cho ý kiến; đồng thời tránh trường hợp phân tích một chiều, thiếu tính khách quan.

Trong quá trình xem xét, cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tôn trọng những ý kiến còn khác biệt, tuy nhiên khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thể hiện rõ quan điểm của mình làm cơ sở để Quốc hội quyết định, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Cổng thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục cập nhật nội dung buổi làm việc.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác