Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo; Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường …
Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác, Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí Hà Nội Phan Phạm Hà cho biết, Công ty Cơ khí Hà Nội tiền thân là Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy Chế tạo máy công cụ số 1 chính thức hoạt động năm 1958, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển ngành cơ khí chế tạo, góp phần tạo dựng nền công nghiệp non trẻ của Việt Nam. Trải qua hơn 60 năm phát triển, hiện Công ty Cơ khí Hà Nội đã trở thành một trong những đơn vị có bề dày truyền thống cũng như thế mạnh về sản xuất các thiết bị, máy móc thuộc lĩnh vực cơ khí.
Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí Hà Nội Phan Phạm Hà báo cáo về tình hình hoạt động của Công ty
Công ty Cơ khí Hà Nội đã và đang là đối tác của nhiều tập đoàn, công ty lớn trên toàn cầu, từng bước trở thành nhà cung cấp cho các tập đoàn lớn, tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất giá trị gia tăng toàn cầu. Thực hiện chiến lược nội địa hóa các sản phẩm trong ngành sản xuất ô tô của Chính phủ, Công ty Cơ khí Hà Nội đã kết hợp với nhiều tập đoàn tăng dần tỷ lệ các bộ phận chế tạo trong nước, tiến dần tới nội địa hóa các sản phẩm cơ khí đòi hỏi độ chính xác cao.
Công ty cũng từng bước thay thế, bổ sung máy móc thiết bị mới, hiện đại, có độ chính xác cao; nghiên cứu áp dụng các ứng dụng công nghệ mới, các thiết bị tự động tiên tiến để thay thế, nâng cấp cho các trang thiết bị hiện có nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực kỹ thuật công nghệ của Công ty.
Đề ngành cơ khí chế tạo trong nước phát triển hơn nữa, Công ty Cơ khí Hà Nội cũng như Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đề xuất Nhà nước cần có chính sách đồng bộ, dài hạn như: Công nghiệp hỗ trợ cần được coi là ngành sản xuất nền tảng của ngành công nghiệp chính yếu, thông qua việc cung cấp linh kiện, phụ tùng và các quy trình kỹ thuật. Công nghiệp hỗ trợ không phả là ngành công nghiệp mang tính chất “phụ trợ” mà là ngành xương sống của nền công nghiệp Quốc gia.
Cần nghiên cứu thay đổi chính sách từ “ưu đãi” cho doanh nghiệp sang “hỗ trợ”, nâng cao năng lực doanh nghiệp. Vì các chính sách hiện tại chủ yếu liên quan đến việc ưu đãi các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hơn là các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần sự hỗ trợ của Nhà nước hơn là các ưu đãi, do không đủ năng lực sản xuất để hưởng các ưu đãi mà Nhà nước đưa ra.
Từ đó, các doanh nghiệp đề xuất cần có chính sách hỗ trợ như: Nguồn vốn để doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị công nghệ mới; Nguồn vốn để đào tạo, tuyển dụng thu hút nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách bảo vệ thị trường, hỗ trợ, ưu đãi cho các doanh nghiệp trong nước…
Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc
Đánh giá cao quá trình hình thành, phát triển của Công ty Cơ khí Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, với bề dày lịch sử, Công ty đã bước đầu xây dựng được thương hiệu của mình tại thị trường Việt Nam và quốc tế. Công ty quan tâm phát triển được đội ngũ cán bộ công nhân kỹ thuật có tri thức, trình độ cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh. Năm 2018, doanh thu công ty đạt 400 tỷ đồng, nộp ngân sách 18 tỷ đồng, thu nhập người lao động 9 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhận thấy khó khăn của Công ty nói riêng và ngành cơ khí nói chung. Đó là vấn đề thị trường; tham gia vào chuỗi giá trị còn khó khăn. Công ty cũng khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; quá trình cổ phần hóa còn gặp nhiều khó khăn; hạn chế trong tạo nguồn giá trị gia tăng. Khả năng nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học vẫn ở mức hạn chế; thiếu cơ sở nghiên cứu khoa học…
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác kiểm tra thực tế tại khu sản xuất của Công ty
Qua đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận ý kiến đề xuất của công ty, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng hiện ngành cơ khí Việt Nam hiện chưa được như kỳ vọng, chưa chủ động được khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học kỹ thuật chưa tốt; liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước chưa tốt… Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các doanh nghiệp ngành cơ khí cần chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm thị trường, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao trong sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.
+ Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác của Quốc hội đã khảo sát thực tế xưởng sản xuất của Công ty Cơ khí Hà Nội./.