Quốc hội biểu quyết thông qua Luật quản lý, sử dụng tài sản công Ảnh: Đình Nam
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) tại Tổ vào ngày 31/10/2016 và tại Hội trường ngày 10/11/2016. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo cũng đã phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm xin ý kiến đại biểu Quốc hội, chuyên gia; xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và ý kiến của các ĐBQH tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào ngày 04/4/2017. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản công (đổi tên từ Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) ) vào sáng ngày 29/5/2017.
Cơ bản thống nhất với các nội dung trong Dự thảo Luật, đã có 466 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết thông qua dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản công, bằng 94,91% tổng số đại biểu Quốc hội. Trong đó, số đại biểu tán thành là 460, bằng 93,69%; không tán thành là 3, bằng 0,61%; không biểu quyết là 3, bằng 0,61%.
Sau khi được Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua, Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản công sẽ gồm 10 Chương, 134 Điều. Trong đó, Luật sẽ quy định về quản lý nhà nước đối với tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Đối với tài sản công là tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật có liên quan. Đối tượng áp dụng của Luật gồm: Cơ quan nhà nước; Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; Đơn vị sự nghiệp công lập; Cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam; Tổ chức chính trị- xã hội; tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội; Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật quản lý, sử dụng tài sản công Ảnh: Quang Minh
Luật quy định nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công như sau: Mọi tài sản công đều phải được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và các đối tượng khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Tài sản công do Nhà nước đầu tư phải được quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị, những tài sản có nguy cơ chịu rủi ro cao do thiên tai, hoả hoạn và nguyên nhân bất khả kháng khác được quản lý rủi ro về tài chính thông qua bảo hiểm hoặc các công cụ khác theo quy định của pháp luật. Tài sản công là tài nguyên phải được kiểm kê, thống kê về hiện vật, ghi nhận thông tin phù hợp với tính chất, đặc điểm của tài sản; được quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Đối với tài sản công phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, công năng, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ theo quy định của pháp luật. Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Việc quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng. Việc quản lý, sử dụng tài sản công được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công gồm: 1. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công. 2. Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức. 3. Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng. 4. Sử dụng xe ô tô và các tài sản công khác do các tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức. 5. Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật. 6. Xử lý tài sản công trái quy định của pháp luật. 7. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công. 8. Chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản công. 9. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật. 10. Các hành vi bị cấm khác trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật có liên quan.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật quản lý, sử dụng tài sản công
Nội dung quản lý nhà nước về tài sản công gồm: Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Quản lý việc giao tài sản công; đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, khoán kinh phí sử dụng tài sản công; xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản. Quản lý việc sử dụng, chuyển đổi công năng sử dụng, bảo vệ, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công; khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công. Quản lý việc thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy và các hình thức xử lý khác đối với tài sản công. Kiểm kê, báo cáo tài sản công. Xây dựng, vận hành hệ thống thông tin và Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công. Hợp tác quốc tế về tài sản công. Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong quản lý, sử dụng tài sản công. Quản lý hoạt động dịch vụ về tài sản công....
Luật quản lý, sử dụng tài sản công sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.