Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói chuyện chuyên đề về Hiến pháp 2013 tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Đây là buổi nói chuyện chuyên đề đầu tiên trong chương trình về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học năm 2017 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Chủ đề “Hiến pháp 2013 và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” có vai trò rất quan trọng trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đặc biệt trong bối cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định cần phải tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và định hướng phát triển của nhà nước, tạo môi trường thuận lợi, sáng tạo, phát huy dân chủ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Tại buổi nói chuyện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao đổi những nét tổng quan nhất về Hiến pháp 2013 và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cũng như những phương hướng cơ bản tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo Hiến pháp năm 2013
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Hiến pháp năm 2013 thể chế hóa, cụ thể và sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; Tiếp tục khẳng định chế độ dân chủ ở nước ta là dân chủ xã hội chủ nghĩa; Khẳng định nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Hiến pháp 2013 thể chế hóa quan điểm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, huy động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước; Khẳng định và thể hiện rõ tư tưởng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; Tiếp tục hiến định hóa vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội trong Hiến pháp; Bổ sung, làm rõ vai trò của Mặt trận, Công đoàn và các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức xã hội.
Tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, Hiến pháp mới nêu rõ: Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức Đảng, đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật.
Hiến pháp 2013 thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; Khẳng định sự công nhận, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước; Bổ sung một số quyền là kết quả của quá trình đổi mới và hội nhập.
Hiến pháp mới hiến định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, công bằng xã hội; bảo vệ môi trường; Thể chế hóa chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục khẳng định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; Thể chế hóa cương lĩnh về các vấn đề văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường… Xác định nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị; Khẳng định mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh; Xác định vị trí, vai trò nòng cốt của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc…
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phương hướng cơ bản để tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo Hiến pháp năm 2013 là tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa; tiếp tục nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong đó, với vai trò nhiệm vụ của mình, Quốc hội sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện và ban hành mới các đạo luật để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chú trọng hoàn thiện pháp luật về môi trường đáp ứng các yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; chú trọng hoàn thiện pháp luật trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và an sinh xã hội, an ninh quốc phòng.
Chủ tịch Quốc hội ghi lưu bút vào Sổ vàng của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Kết thúc buổi nói chuyện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong rằng những thông tin tại buổi nói chuyện sẽ làm phong phú thêm cho các chương trình giảng dạy của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Chủ tịch Quốc hội mong muốn, trong thời gian tới, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sẽ có những phối hợp với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giảng dạy tại Học viện. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tại mỗi kỳ họp của Quốc hội Học viện có thể cử một số cán bộ giảng dạy tùy theo nhu cầu, nhiệm vụ đến dự khán tại kỳ họp… đặc biệt là tại các buổi thảo luận tại Hội trường về các vấn đề kinh tế- xã hội để bổ sung phần kiến thức thực tiễn cho cán bộ giảng viên.
Nhân dịp này, với tư cách là cựu học viên của Lớp cử nhân chính trị đầu tiên ở Nam Bộ niên khóa 1992- 1995, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển vững mạnh, xứng đáng là nơi đào tạo cán bộ, lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước.