Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển tiếp Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Môi trường Đại học Indiana
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển vui mừng chào đón Giáo sư John Graham, Hiệu trưởng Chính sách công và Môi trường, Đại học Indiana, Hoa Kỳ sang thăm và làm việc tại Việt Nam; khẳng định, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam với Hoa Kỳ trong ký kết các hợp tác song phương, đa phương không có gì thay đổi và ngày càng phát triển theo hướng tích cực.
Cảm ơn Giáo sư John Graham đã chia sẻ các thông tin về chính sách mới của Hoa Kỳ, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn, với những hiểu biết của cá nhân về Việt Nam, Giáo sư John Graham sẽ là cầu nối để tăng cường mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; đẩy mạnh việc tham vấn để Hoa Kỳ tiếp tục duy trì các chính sách với Việt Nam như trước đây nhằm bảo đảm lợi ích của cả hai quốc gia.
Đánh giá cao kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong thực hiện quản lý, điều chỉnh các chính sách công nhưng không sử dụng ngân sách nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam hiện nay cũng có những chính sách công ban hành đưa ra làm căn cứ pháp lý để xã hội thực hiện mà không sử dụng ngân sách nhà nước. Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam đối với chính sách công là vận hành theo cơ chế thị trường và hạn chế thấp nhất sự can thiệp của Chính phủ vào quy luật của thị trường.
Cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã dành thời gian tiếp, Giáo sư John Graham đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội thời gian qua. Nêu rõ mục đích chuyến thăm nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc thẩm định các dự luật, ngân sách và chính sách của Hoa Kỳ và các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), Giáo sư John Graham mong muốn, những nội dung này sẽ góp phần vào hoàn thiện chính sách về tài chính- ngân sách của Việt Nam, trong đó có những chính sách không sử dụng ngân sách nhà nước.
+ Ngay sau cuộc tiếp, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính và Ngân sách đã tổ chức Tọa đàm với Giáo sư John Graham, với chủ đề Hệ thống thẩm định các dự án luật, ngân sách và chính sách của Mỹ và các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế).
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải và Giáo sư John Graham đồng chủ trì Tọa đàm.
Ảnh: Đình Nam
Tại Tọa đàm, Giáo sư John Graham đã giới thiệu đến các đại biểu về vấn đề phân tích tác động pháp lý (RIA) tại Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, Phân tích tác động pháp lý tại Hoa Kỳ chủ yếu dùng phương pháp phân tích giữa chi phí và lợi ích, còn tại Liên minh châu Âu là sử dụng công cụ phân tích đa dạng hơn, ít chú trọng và tác động kinh tế.
Cụ thể, đối với Hoa Kỳ, Cục Quản trị và Ngân sách Hoa Kỳ đã yêu cầu các bộ, cơ quan liên bang phải thực hiện các phương pháp phân tích tác động pháp lý trước khi ban hành các quy định mới (nhiệm vụ không được cấp kinh phí). Những nhiệm vụ không được cấp kinh phí được hiểu là việc các bộ, cơ quan liên bang thường thực hiện các nhiệm vụ được giao mà không được sử dụng nguồn chi tiêu công. Các nhiệm vụ này thường là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp, chính quyền cấp bang, hoặc các tổ chức phi lợi nhuận như bệnh viện, trường đại học. Hiện nay, Văn phòng ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ bước đầu sẽ tiến hành “chấm điểm” các luật mới ban hành để đánh giá tác động về ngân sách, trong đó có đề xuất các ngân sách mới. Và tiến tới, Văn phòng này từng bước tham gia sâu hơn vào việc phân tích tác động pháp lý đối với các quy định pháp luật mới (nhiệm vụ không được cấp kinh phí).
Với Liên minh châu Âu, các cơ quan thường trực thuộc Ủy ban châu Âu được yêu cầu chuẩn bị phân tích đánh giá tác động pháp lý để hỗ trợ quá trình ban hành luật và các văn bản dưới luật; Văn phòng Tổng thư ký của Liên minh châu Âu sẽ thực hiện giám sát hoạt động đánh giá tác động pháp lý thông qua Hội đồng rà soát pháp lý và gần đây, để nâng cao chất lượng, Liên minh châu Âu cũng đã thành lập một đơn vị đánh giá tác động pháp lý chuyên trách.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những chia sẻ thẳng thắn của Giáo sư John Graham về thẩm định các dự án luật, ngân sách và chính sách của Mỹ và các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế); cho rằng, đây là những kinh nghiệm quý báu đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến tài chính- ngân sách. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách mong muốn, Giáo sư John Graham sẽ tiếp tục chia sẻ nhiều hơn nữa những kinh nghiệm liên quan đến chính sách, pháp luật về tài chính và ngân sách cho Việt Nam, trong đó có Ủy ban Tài chính và Ngân sách nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý ngân sách của Việt Nam trong thời gian tới.