Xác định xây dựng nông thôn mới là con đường cách mạng lâu dài, kiên trì

05/10/2016

Sáng 5/10, tiếp tục chương trình làm việc tại phiên họp thứ 4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và thảo luận về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề: Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tại phiên họp                                                Ảnh: Đình Nam

Trình bày Báo cáo Kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010- 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đến nay hệ thống văn bản pháp luật về xây dựng nông thôn mới đã được ban hành, từng bước được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nhiều chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đã được triển khai. Các bộ, ngành Trung ương đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn, rà soát và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Nhiều địa phương đã ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Đến tháng 3/2016, cả nước có 1.761 xã (chiếm 19,7% tổng số xã) đạt tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, có 1.223 xã đạt từ 15- 18 tiêu chí; 3.355 xã đạt từ 10- 14 tiêu chí; 2.270 xã đạt từ 5- 9 tiêu chí và 326 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Bình quân tiêu chí/xã: 12,9 tiêu chí, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010. Đến tháng 9/2016, đã có 2.045 xã chiếm 23% đạt tiêu chí nông thôn mới, có 24 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới.

Sau 5 năm thực hiện, các tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới được cải thiện rõ rệt, có mức tăng tích cực so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015 (bình quân giảm 1,84%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,07% năm 2011 xuống còn dưới 28% năm 2015. Riêng những xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên đạt 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.

Về nguồn vốn thực hiện Chương trình, trong 5 năm cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng. Quốc hội đã phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho Chương trình giai đoạn 2014- 2016 là 15.000 tỷ đồng.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp

Sau hơn 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị ngành trồng trọt tăng năm 2013 là 3%, năm 2014 là 3,2%, năm 2015 là 1,6%; năng suất, chất lượng và giá cả nhiều loại sản phẩm đã được nâng cao; thu nhập bình quân/ha đất trồng trọt năm 2014 đạt khoảng 78,7 triệu đồng, năm 2015 đạt 82,5 triệu đồng/ha.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình còn gặp một số hạn chế, vướng mắc. Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên, qua giám sát thực tế cho thấy vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế, điều kiện của các vùng, miền, địa phương. Một số xã mặc dù đã được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình nhưng vẫn còn một số tiêu chí chưa hoàn thành (nợ tiêu chí) hoặc không đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho Chương trình còn thấp so với yêu cầu, chưa đảm bảo theo quy định…

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo khẩn trương sửa đổi, ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, miền, địa bàn theo hướng khung tiêu chí cứng và một số tiêu chí linh hoạt, trên cơ sở đó, có chính sách, định hướng đầu tư phù hợp với thực tế; Nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến nông nghiệp, nông thôn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản, có hướng giải quyết dứt điểm nợ đọng này trong năm 2017 và không để tái diễn tình trạng huy động vốn đầu tư vượt quá khả năng thanh toán dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận những kết quả tích cực đạt được trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; khẳng định đây là một chủ trương rất lớn, được nhân dân đồng tình ủng hộ, bạn bè quốc tế đánh giá cao, tạo ra một diện mạo mới cho nông thôn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu tại phiên họp

Bên cạnh sự ghi nhận những kết quả đạt được, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra những hạn chế, phân tích nguyên nhân của những hạn chế trong thực hiện Chương trình. Cụ thể như việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền; quá trình xây dựng nông thôn mới vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Trung ương khi mới ban hành còn có những điểm không phù hợp; nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho Chương trình còn chưa bảo đảm; có địa phương quá nóng vội trong triển khai thực hiện dẫn đến nợ đọng lớn; một số địa phương chưa chủ động, còn lúng túng trong việc xây dựng, triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của Chương trình. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành cơ chế, chính sách đồng bộ để chương trình được triển khai hiệu quả, thiết thực.

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, báo cáo của Đoàn Giám sát còn một số điểm mâu thuẫn và có một số kiến nghị không mang tính khả thi, khó thực hiện được. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, báo cáo giám sát phải xem lại cơ cấu bố cục của giám sát; xem lại một số kiến nghị, nhận định cho thực tế, khả thi và thực chất hơn, tránh đưa ra những kiến nghị khó thực hiện.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, các đề nghị nêu trong báo cáo như rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản, có hướng giải quyết dứt điểm nợ đọng này trong năm 2017 là khó thực hiện được.

Các đại biểu cũng đề nghị, báo cáo nên rút ra những bài học cơ bản, quan tâm đến những mặt tồn tại trong việc xây dựng các tiêu chí, việc chậm xây dựng các tiêu chí cho phù hợp với vùng miền, việc  không kiểm soát được nguồn lực dẫn đến tình trạng nợ đọng… để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, các tiêu chí hiện nay còn máy móc, rập khuôn; trong thực hiện thì có nóng vội, phong trào và chạy theo thành tích. Nhiều nơi nóng vội, để đạt 19 tiêu chí nên làm cho qua, cho được, chất lượng thấp; làm hình thức nên vay mượn rồi nợ nần. Chủ nhiệm Võ Trọng Việt đề nghị, việc làm thất thoát tiêu cực thì phải kịp thời chấn chỉnh.

Về vấn đề nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, đây là sự nghiệp lâu dài, phải kiên trì, bền bỉ, không nên chạy theo thành tích, nên phát huy được sức mạnh toàn dân, coi đây là sự nghiệp của toàn dân, lấy dân làm gốc, để dân biết, dân bàn, huy động sức mạnh cộng đồng nhưng phải xác định trọng tâm làm việc, có ưu tiên để có được hiệu quả tốt nhất.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị báo cáo cần xem xét bổ sung thêm kết quả 5 năm thực hiện nông thôn mới đối với các  xã vùng khó khăn, bãi ngang ven biển, vùng núi, vùng dân tộc thiểu số…, trung bình các xã đó đạt bao nhiêu tiểu chí, để sau 5 năm nữa có thể biết được sự phát triển của các xã đó; từ đó mới đề xuất xây dựng được các bộ tiêu chí phù hợp với đối tượng xã này, để rút ngắn khoảng cách chênh lệch phát triển giữa các xã.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đoàn giám sát có đánh giá toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… trong quá trình thực hiện chương trình; rút ra được các bài học, kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, phải xác định đây là cuộc cách mạng lâu dài, kiên trì, tránh những biểu hiện hình thức, nóng vội trong thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đoàn giám sát hoàn chỉnh lại Nghị quyết về nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tinh thần của quy định tại khoản 4, điều 16 của Luật hoạt động giám sát, làm rõ mục tiêu trong 5 năm tới và trong cả giai đoạn về sau, để đảm bảo tính khả thi của Nghị quyết khi đưa vào thực hiện.

Đặng Mai