Ủy ban thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2016

04/10/2016

Sáng 4/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4, Ủy ban thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2016. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu điều hành phiên họp                                                                         Ảnh: Đình Nam

Khiếu nại, tố cáo diễn biến ngày một phức tạp

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2016, mặc dù tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm so với năm 2015 nhưng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, miền Nam, nhất là sau khi xảy ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung.

Cụ thể, trong năm 2016, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã giảm 5,4%; số đoàn đông người giảm gần 10%; tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 10,6%; tổng số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2015.

Song Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cũng nêu rõ, tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm 2016 mặc dù giảm nhưng lại có quy mô và diễn biến ngày một phức tạp hơn. Tình trạng công dân khiếu kiện chây ỳ ở một số địa phương và các đoàn đông người vẫn diễn ra, thường xuyên tập trung tại các khu vực trung tâm thành phố, nhà riêng của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tòa nhà Quốc hội, trụ sở các cơ quan Trung ương... gây mất an ninh trật tự. Đặc biệt, tình trạng công dân khiếu kiện tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương có thái độ quá khích, bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Đã xảy ra những vụ công dân xô xát, đánh và đe dọa cán bộ tiếp công dân…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật trình bày báo cáo thẩm tra

Thẩm tra về báo cáo, Ủy ban Pháp Luật đánh giá, trong năm qua, hầu hết các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và đạt được những kết quả nhất định, số đơn thư, vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục có giảm so với các năm trước đây; những kết quả tích cực đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, ở một số địa phương như khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, miền Nam tình hình khiếu nại đang có diễn biến rất phức tạp; vẫn còn tình trạng các đoàn đông người, có đoàn lên tới hàng trăm người, có sự liên kết với nhau, được sự ủng hộ lương thực, thực phẩm của một số tổ chức tự phát (thường xuyên tập trung tại các khu vực trung tâm thành phố Hà Nội, Tòa nhà Quốc hội, Trụ sở các cơ quan trung ương) với băng rôn, khẩu hiệu để gây áp lực cho các cơ quan tiếp công dân và cơ quan ở trung ương.

Ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ, hoạt động khiếu nại, tố cáo của ngành Tòa án nhân dân và ngành Kiểm sát nhân dân vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Cụ thể, trong năm 2016, tổng số đơn khiếu nại và đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án Nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân cấp cao phải giải quyết là 12.372 đơn/vụ (tăng 3.108 đơn/vụ ), trong đó các đơn khiếu nại liên quan đến lĩnh vực dân sự và hình sự vẫn chiếm tỷ lệ lớn, vẫn còn những vụ khiếu nại gay gắt, kéo dài, đơn khiếu nại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán chưa có xu hướng giảm; số lượng đơn Viện kiểm sát Nhân dân các cấp tiếp nhận tăng 25%, trong đó số lượng lớn vẫn là các đơn khiếu nại và đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (chiếm 87,8% số đơn và 85% số vụ, nhất là trong lĩnh vực dân sự (chiếm 69,2% số đơn, 74,4% số vụ việc), lĩnh vực hình sự, hành chính tiếp tục có xu hướng tăng, nhiều đơn gửi vượt cấp, gửi đến nhiều cơ quan, gửi nhiều lần về cùng một vụ, việc; một số trường hợp thường xuyên đến khiếu nại, tố cáo gay gắt tại địa điểm tiếp công dân của Viện kiểm sát Nhân dân các cấp; có trường hợp đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo; cá biệt cũng có trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây phức tạp tình hình tại địa điểm tiếp công dân…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra

Cần chấn chỉnh đội ngũ cán bộ làm công tác khiếu nại, tố cáo

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhận định, mặc dù tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục có xu hướng giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trong năm qua, các vụ khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực đất đai vẫn còn ở mức cao, chủ yếu là xoay quanh vấn đề đất đai và giải phóng mặt bằng… Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, những nguyên nhân mà Chính phủ, cũng như Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đưa ra trong Báo cáo mới chỉ phản ánh những nguyên nhân khách quan, mà chưa làm rõ các yếu tố chủ quan gây ra những hạn chế, tồn tại.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ra những hạn chế, tồn tại trong công tác khiếu nại, tố cáo có liên quan đến yếu tố con người, việc tổ chức thực hiện chưa đến nơi, đến chốn.

Để kiểm soát tình hình đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường. Cùng với đó là kiên quyết hơn trong việc xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức có vi phạm pháp luật; có phương án đào tạo, nâng cao trình độ và bố trí sắp xếp, luân chuyển cán bộ, công chức ở ngành, lĩnh vực nhạy cảm. Bên cạnh đó, yêu cầu Chính phủ báo cáo rõ hơn số lượng khiếu nại, tố cáo năm cũ còn tồn đọng bao nhiêu vụ và số lượng mới phát sinh; phân tích, đánh giá cụ thể hơn tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp, bức xúc, đông người trong thời gian qua, nhất là đối với đơn thư gửi trực tiếp đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước; đánh giá kỹ việc thực hiện các giải pháp mà Chính phủ đã nêu từ những năm trước, đồng thời dự báo diễn biến tình hình trong thời gian tới để có những chủ trương, biện pháp cụ thể, quyết liệt nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, bức xúc, đông người.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt phát biểu tại phiên họp

Nhấn mạnh đến tiêu chí của người cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, cần phải chọn những người có kiến thức, dũng cảm, biết kiềm chế để làm công tác này. Bởi nếu không có đủ kiến thức thì không thể giải quyết tốt được. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh chia sẻ đã từng chứng kiến nhiều cán bộ không có kiến thức làm công tác này, nói đúng thành sai, nói đơn giản thành phức tạp, nguy hiểm nhất là đổ lỗi và đùn đẩy trách nhiệm. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Võ Trọng Việt, việc chấn chỉnh đội ngũ cán bộ làm công tác khiếu nại, tố cáo về kiến thức, ý thức, trách nhiệm của mình khi làm công tác này là rất cần thiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho hay, đối với nhiều vụ việc phức tạp, nghiêm trọng đòi hỏi cán bộ tiếp dân phải là người có thẩm quyền, tránh tình trạng đùn đẩy, cử cán bộ văn phòng, người không có thẩm quyền giải quyết tiếp chỉ tiếp thu, lắng nghe rồi về báo cáo mà không giải quyết được. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu cán bộ có thẩm quyền có thể đối thoại trực tiếp với dân thì vấn đề sẽ được tháo gỡ ngay tại chỗ. Bên cạnh đó, để cán bộ ở trụ sở tiếp dân có thể yên tâm làm nhiệm vụ của mình, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề an ninh trật tự ở các trụ sở tiếp dân cần được bảo đảm và bảo vệ thường xuyên, tránh để xảy ra tình trạng cán bộ bị dân đánh ngay tại trụ sở tiếp dân.

Đồng tình với quan điểm trên, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc tiếp công dân gắn với người có thẩm quyền giải quyết là rất quan trọng. Tuy nhiên, qua giám sát ở các địa phương cho thấy, tình trạng ủy quyền cho cấp phó tham gia tiếp dân còn quá nhiều, mặc dù họ không có thẩm quyền giải quyết,

Ngoài ra, nhiều đại biểu còn chỉ ra, ở một số nơi còn đặt ra thủ tục rườm rà, thuận lợi cho cơ quan nhà nước nhưng khó khăn cho người dân khi trực tiếp đến gửi đơn tại Ban tiếp công dân. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn bất cập, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm… Các đại biểu cho rằng, những tồn tại chủ quan này cần phải sớm được chấn chỉnh và khắc phục.

Thu Phương