Trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, trong năm 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị- xã hội; phát huy vai trò của báo chí, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng. Qua đó, đã tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội Khóa XIII đã đề ra, khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV.
Trong công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 50- CT/TW của Bộ Chính trị về về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012, Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013, Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm; chủ động phối hợp theo đúng các quy định của pháp luật tố tụng và Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo xử lý hành vi tham nhũng đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các vụ án lớn, trọng điểm được dư luận xã hội quan tâm.
Báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, trong năm 2016, ngành Thanh tra đã phát hiện 35 vụ, 71 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng; cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 254 vụ án, 627 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó: Khởi tố mới 141 vụ, 290 bị can; đã kết luận điều tra 121 vụ, 400 bị can; đình chỉ điều tra 05 vụ, 04 bị can; tạm đình chỉ 06 vụ, 15 bị can; hiện đang điều tra 122 vụ, 208 bị can; Viện kiểm sát các cấp đã truy tố 264 vụ, 635 bị can về các tội danh tham nhũng; Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 325 vụ với 898 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 159 vụ, 427 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 46,7% (tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015); số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 12% (giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2015)( ). Đặc biệt, có 04 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý tội phạm về tham nhũng; Tổng cục Thi hành án dân sự đã thụ lý mới 65 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương ứng với số tiền 646 tỷ 616 triệu đồng, đã giải quyết xong 41 vụ việc, tương ứng với số tiền 45 tỷ 605 triệu đồng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, trong năm 2016, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng cũng đã được đẩy mạnh thực hiện, thường xuyên được rà soát, đánh giá, điều chỉnh phù hợp hơn, ngày càng phát huy hiệu quả, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng. Việc tự phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra và nhất là qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng nhiều so với trước. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, điều tra, xử lý với những bản án nghiêm minh đã có tác dụng răn đe, ngăn chặn hành vi tham nhũng. Hiệu quả thu hồi tài sản qua công tác thanh tra, điều tra tội phạm tham nhũng đã có chuyển biến. Vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị- xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng được đề cao; cơ chế bảo vệ, khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng được xây dựng và tổ chức thực hiện, các sáng kiến công tác phòng, chống tham nhũng của cộng đồng được khuyến khích, hỗ trợ thực hiện… tạo điều kiện nâng cao vai trò, trách nhiệm của xã hội và mỗi người dân trong công tác phòng, chống tham nhũng. Hoạt động hợp tác quốc tế về công tác phòng, chống tham nhũng được mở rộng và ngày càng sâu sắc hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra Ảnh: Đình Nam
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khá đầy đủ tình hình tham nhũng ở nước ta, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả tích cực trong xây dựng thể chế, cải cách hành chính, lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng chỉ rõ, công tác tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu; việc “hành chính hóa” quan hệ hình sự trong xử lý hành vi tham nhũng vẫn còn diễn ra; số vụ tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít và tiếp tục giảm, chưa tương xứng với diễn biến tình hình tham nhũng hiện nay… Nhất là khi Chính phủ nhận định tham nhũng vẫn phức tạp, tồn tại ở nhiều cấp, nhiều ngành và chưa được đẩy lùi, nhưng công tác đấu tranh phát hiện tham nhũng lại giảm dần qua các năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trong ba năm gần đây số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử giảm dần; hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm, còn nhìn chung ở cấp tỉnh, huyện, các bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn rất ít, trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở những nơi này vẫn còn nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua. Năm 2016, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu giảm 155,5% so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, năm 2016 có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong đó có 5 người bị xử lý hình sự. Năm 2015 có 46 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý, trong đó có 4 người bị xử lý hình sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặc biệt nhấn mạnh, mặc dù trong báo cáo của Chính phủ đã nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhưng chưa chỉ rõ được địa chỉ cụ thể của những tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền. Cụ thể, trong nhiều năm qua, các báo cáo về vấn đề này của Chính phủ vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm với chính quyền, đưa ra những đánh giá chung chung như: “có nơi”, “có lúc”, “có địa phương”, “có một bộ phận cán bộ, công chức”… mà không có địa chỉ cụ thể nên không có tác động để chỉnh đốn, thay đổi.
Để khắc phục những những hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống tham nhũng nêu trên, Ủy ban Tư pháp đề nghị, Chính phủ tiếp tục triển khai xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, để gỡ bỏ các rào cản, hoàn thiện thể chế để giải phóng các nguồn lực của đất nước, kiên quyết loại trừ các quy định pháp luật không rõ ràng, không minh bạch, có biểu hiện lợi ích nhóm, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; tăng cường trách nhiệm cá nhân trong thực hiện công vụ, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để loại khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức sai phạm, thoái hóa, biến chất. Bên cạnh đó, yêu cầu Chính phủ có đánh giá, giải trình về việc phát hiện tham nhũng giảm trong những năm gần đây, trong khi tình trạng tham nhũng vẫn còn đang diễn biến rất nghiêm trọng; đề nghị báo cáo của Chính phủ cần phải đánh giá đúng thực chất tình hình tham nhũng hiện nay, phân định rạch ròi giữa trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân để tránh khi xảy ra án tham nhũng thì không quy được trách nhiệm, chỉ rõ cá nhân, tổ chức nào làm tốt hay chưa tốt… để có biện pháp và hướng khắc phục cụ thể trong thời gian tới.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nghe báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp
Thảo luận tại phiên họp về các báo cáo, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các báo cáo đã được Chính phủ và các ngành chuẩn bị công phu, chặt chẽ, có nhiều điểm mới so với các năm trước, nêu bật được tình hình. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ, các báo cáo vẫn còn một số cụm từ chung chung như: “một số bộ, ngành, địa phương”, “một số lĩnh vực” làm tốt việc này, không làm việc kia, hay có những hạn chế, bất cập. Các đại biểu đề nghị, báo cáo cần phải nêu rõ, hoặc có chú thích cụ thể đấy là bộ, ngành nào, địa phương nào, lĩnh vực gì...
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan cần tiếp tục tu chỉnh, bổ sung, xem xét lại những nhận định, có sự đánh giá thống nhất giữa các ngành chức năng. Từ sự phân tích nguyên nhân, phải gắn với giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng đã được nêu ra.
+ Tại phiên họp chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia.
+ Sáng mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật về hội và họp phiên bế mạc phiên họp thứ Ba.