Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV

15/09/2016

Sáng 15/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp                                        Ảnh: Đình Nam

Trình bày Báo cáo Một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp này khoảng 24 ngày (không kể các ngày nghỉ), trong đó Quốc hội làm việc 1 trong 5 ngày thứ bảy. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/10/2016 và dự kiến bế mạc vào ngày 22/11/2016.

Về Công tác xây dựng pháp luật, dự kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 04 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết: Luật về hội; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Quốc hội sẽ cho ý kiến 14 dự án luật: Luật Công an xã; Luật đường sắt (sửa đổi); Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật du lịch (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quy hoạch.

Dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận về các vấn đề kinh tế- xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác: Xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017. Quyết định kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020;

Quốc hội giám sát tối cao “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010- 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”; Báo cáo về tình hình biển Đông sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, đối sách của Việt Nam trong thời gian tới;

Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII; Xem xét các Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn;

Đồng thời, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sẽ tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đầu nhiệm kỳ.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo Một số vấn đề về việc chuẩn bị và Dự kiến nội dung kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Các đại biểu đánh giá, Báo cáo được chuẩn bị công phu và nội dung kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV được sắp xếp tương đối hợp lý. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ một số vấn đề để đảm bảo kỳ họp đạt chất lượng cao nhất.

Về công tác xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị bố trí các dự án Luật, nên đưa lên sau ngày thứ nhất của Quốc hội, để Quốc hội có thể thảo luận và các cơ quan tiếp thu chuẩn bị, đến cuối kỳ họp trình ra để có được những dự án Luật chất lượng cao.

Về vấn đề nợ công, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiền để nghị cần phải bố trí thời gian thảo luận sâu tại tổ nhiều hơn để đảm bảo vấn đề này được các đại biểu nghiên cứu và thảo luận kỹ trước khi đưa ra Quốc hội.

Chủ tịch HĐDT Hà Ngọc Chiến phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị xem xét lại việc phê chuẩn Hiệp định thương mại xuyên thái bình dương TTP tại kỳ họp này, cân nhắc xem Quốc hội nên xem xét Hiệp định này chưa vì nhiều nước trên thế giới chưa xem xét thông qua, chúng ta không nên đi đầu.

Về vấn đề Fomusa, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và nhiều đại biểu khác cho rằng, đây là vấn đề đang được dư luận xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm, nên cần phải có báo cáo riêng, cụ thể như việc khắc phục hậu quả đến đâu và như thế nào để báo cáo trước Quốc hội.

Về vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn, vì đây là chất vấn đầu nhiệm kỳ Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cần phải bố trí công tác chuẩn bị nội dung và chương trình một cách chu đáo nhất có thể.

Kết luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nội dung chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, về cơ bản chu đáo, cẩn trọng, có nhiều đổi mới và bao quát được hết nội dung sẽ đưa ra tại kỳ họp thứ 2; đề nghị bổ sung một số vấn đề theo các ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để chương trình bố trí hợp lý hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, tất cả các nội dung đưa ra tại kỳ họp đều phải đảm bảo được tiến độ và chất lượng đề ra, xác định rõ vai trò của các cơ quan liên quan trước khi trình ra Quốc hội; nên bố trí thời gian để thảo luận và tranh luận tại Nghị trường, để cho Bộ trưởng đại diện cho cơ quan soạn thảo tranh luận với các đại biểu Quốc hội về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của các dự án Luật.

Đặng Mai