Khai mạc phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

15/08/2016

Sáng 15/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã khai mạc phiên họp thứ 2.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp                             Ảnh: Đình Nam

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên họp sẽ diễn ra trong 02 ngày, từ ngày 15- 16/8, tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về 2 dự án luật: Luật cảnh vệ và Luật Công an xã; đồng thời cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về đề xuất sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012- 2015 của dự án Hồ Tả Trạch cho hợp phần bồi thường, di dân tái định cư; cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về Luật Cảnh vệ.

Trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Cảnh vệ, Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật Cảnh vệ gồm có 5 chương, 29 điều, quy định về đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nguyên tắc công tác cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng Cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; chế độ chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác cảnh vệ.

Tại phiên họp, đa số các đại biểu đều đánh giá cao tinh thần tích cực của Ban soạn thảo và Ủy ban thẩm tra; cho rằng hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện để báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về việc nâng Pháp lệnh cảnh vệ lên thành Luật, nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ đặc biệt các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các hoạt động đối ngoại và các mục tiêu trọng yếu của quốc gia, các sự kiện quan trọng, trước tình hình trong nước và trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, hoạt động khủng bố có xu hướng gia tăng, các thế lực thù địch chống phá quyết liệt.

Cần có chính sách đặc thù đối với lực lượng cảnh vệ

Dự thảo Luật Cảnh vệ do Chính phủ trình có quy định về chính sách của Nhà nước đối với công tác cảnh vệ và lực lượng Cảnh vệ, trong đó: nhà nước xây dựng lực lượng Cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; lực lượng cảnh vệ được ưu tiên bảo đảm cơ sở hạ tầng, kinh phí, khoa học công nghệ và trang bị vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ (Điều 6). Bên cạnh đó, lược lượng cảnh vệ được hưởng chế độ chính sách theo quy định của pháp luật đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân hoặc sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân và được hưởng phụ cấp, chế độ ưu đãi đặc thù do Chính phủ quy định (Điều 21).

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, lực lượng cảnh vệ có nhiệm vụ rất đặc biệt, bởi vậy, Nhà nước cần có chính sách chế độ đặc thù đối với lực lượng này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, lực lượng cảnh vệ là một lực lượng có chức năng đặc biệt, phục vụ và bảo vệ các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam; bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các khu vực trọng yếu và các sự kiện đặc biệt quan trọng. Cho rằng, đây là nhiệm vụ nhiều khó khăn, gian khổ, gắn bó suốt đời, thậm chí có thể phải hy sinh cả tính mạng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, lưc lượng cảnh vệ cần phải được hưởng chính sách đặc thù quy định về chế độ khám sức khỏe, chế độ công tác, khen thưởng… để động viên các chiến sĩ cảnh vệ hết lòng với nhiệm vụ của mình.

Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Trọng Việt cũng khẳng định, cảnh vệ là một lực lượng chịu nhiều hy sinh, thiệt thòi, có nhiệm vụ đặc biệt nhưng lại không đông, bởi vậy, việc quy định một chế độ chính sách đặc thù cho lực lượng này là cần thiết và công bằng.

Quy định rõ những trường hợp được nổ súng

Liên quan đến việc quy định các trường hợp được nổ súng của lực lượng cảnh vệ được quy định tại Điều 19, Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm cho rằng, nếu chúng ta quy định quá khắt khe với các trường hợp được nổ súng thì lực lượng cảnh vệ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, sợ vi phạm pháp luật, và thậm chí không dám sử dụng súng thì sẽ rất nguy hiểm cho việc bảo vệ các đối tượng cảnh vệ, trong đó có các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu đều đồng tình và cho rằng việc quy định cụ thể về các trường hợp lực lượng cảnh vệ được nổ súng bảo vệ đối tượng cảnh vệ tại Luật này là cần thiết. Cụ thể, ngoài việc thực hiện các quy định tại Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì Luật này cần quy định cụ thể những trường hợp được nổ súng của lực lượng cảnh vệ để chủ động trong các tình huống vì yêu cầu phải bảo vệ tuyệt đối, an toàn đối tượng cảnh vệ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc quy định các trường hợp được nổ súng cần phải được quy định hết sức chặt chẽ, bởi nó liên quan đến quyền sống chết của con người. Tuy nhiên, quy định về các trường hợp nổ súng tại dự thảo Luật còn quá sơ lược, do vậy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thiết kế lại để quy định bảo đảm chặt chẽ, tránh lạm dụng.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ, việc quy định việc các chiến sỹ cảnh vệ được nổ súng để thực hiện nhiệm vụ phải được liệt kê chi tiết trong từng trường hợp cụ thể, lực lượng cảnh vệ cần phải được huấn luyện chặt chẽ trong từng tình huống, tùy vào tình thế, cân nhắc cẩn thận mức độ nguy hiểm mà sử dụng vũ khi, nổ súng theo trình tự cảnh cáo, gây thương tích và tiêu diệt.

 Không mở rộng đối tượng cảnh vệ

Theo Dự thảo Luật Cảnh vệ Chính phủ trình, đối tượng được cảnh vệ bao gồm: người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trân Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam; các khu vực trọng yếu và các sự kiện đặc biệt quan trọng.

So với Pháp lệnh hiện hành, dự thảo Luật Cảnh vệ đã mở rộng đối tượng cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trân Tổ quốc Việt Nam, bao gồm: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh chỉ rõ, việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng và Nhà nước cần phải được xem xét cẩn thận trên các tiêu chí: 1- Đối tượng cảnh vệ phải là người có vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến an ninh chính trị, lợi ích quốc gia, dân tộc, cần có chế độ bảo vệ đặc biệt; 2- Thực tiễn hoạt động của hệ thống chính trị nước ta là lãnh đạo Đảng, Nhà nước gắn bó mật thiết với nhân dân; 3- Cân đối với yêu cầu bảo vệ các đối tượng khác trong hệ thống chính trị; 4- Môi trường chính trị- xã hội ở nước ta; 5- Phân biệt rõ giữa “hoạt động cảnh vệ” với “hoạt động bảo vệ” để bảo đảm phát huy hiệu quả và phù hợp với tính chất hoạt động của từng lĩnh vực công tác, tránh chồng chéo, tổ chức cồng kềnh.

Qua thảo luận, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như quy định tại Pháp lệnh hiện hành. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và bổ sung chi tiết các quy định về quyền tự do cá nhân và trách nhiệm của đối tượng cảnh vệ; có đánh giá sâu sắc hơn về tầm quan trọng, đóng góp của lực lượng cảnh vệ đối với việc đảm bảo an ninh quốc gia; rà soát từng nội dung của dự thảo Luật để tránh mâu thuẫn với các Luật khác.

Thu Phương