Hội nghị triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội các tháng cuối năm 2016 và năm 2017

12/08/2016

Sáng 12/8, tại phòng Thăng Long- Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội các tháng cuối năm 2016 và năm 2017. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc; các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và các đại biểu Quốc hội khoá XIV.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc Hội nghị                                          Ảnh: Đình Nam

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, đây là Hội nghị đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV với các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương và đại diện lãnh đạo các cơ quan trình dự án, cơ quan soạn thảo, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan khác để bàn về việc phân công cơ quan trình, cơ quan thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, tiến độ chuẩn bị các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội các tháng cuối năm 2016 và năm 2017; các biện pháp bảo đảm triển khai thực hiện Chương trình cũng như các biện pháp nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua đó, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong việc tiếp tục đổi mới và thực hiện có hiệu quả hơn Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, tại Hội nghị này đại diện các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm trong từng công đoạn của quy trình lập pháp và đặc biệt là các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục thảo luận, đóng góp thêm sáng kiến để làm rõ quy trình, cách thức tiến hành; yêu cầu về trách nhiệm, phạm vi phối hợp của các cơ quan cùng các biện pháp bảo đảm cần thiết khác trong công tác lập pháp nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất chung, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện tốt các quy định mới của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội nói chung và trước mắt là để hoàn thành có chất lượng toàn bộ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và 2017 của Quốc hội.

Thay mặt Ủy ban Pháp luật trình bày “Báo cáo về việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội các tháng cuối năm 2016, năm 2017 và một số nội dung về tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định cho biết, theo Chương trình đã được Quốc hội thông qua, trong các tháng cuối năm 2016, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 04 dự án luật, cho ý kiến 14 dự án luật khác; Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét 04 dự án pháp lệnh; trong năm 2017, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua và cho ý kiến 29 dự án luật, 01 dự thảo Nghị quyết.

Trong Chương trình các tháng cuối năm 2016 có 18 dự án luật, 02 dự án pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công cơ quan trình, các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra từ năm 2015. Trong đó có 03 dự án luật được Quốc hội khoá XIII cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 đang được các cơ quan phối hợp tiếp thu, chỉnh lý… để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2 sắp tới. 15 dự án luật còn lại đã được các cơ quan soạn thảo, một số dự án đã được thẩm định, thẩm tra. Có 02 dự án pháp lệnh, 01 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội mới bổ sung vào Chương trình chưa được phân công cụ thể. Trong Chương trình năm 2017, ngoài 14 dự án cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, thông qua tại kỳ họp thứ 3, có 05 dự án được điều chỉnh thời gian trình từ các năm trước đó.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật trong thời gian tới, trước mắt để bảo đảm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội các tháng cuối năm 2016 và năm 2017: Thứ nhất, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức có liên quan cần tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội các tháng cuối năm 2016 và năm 2017.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Hội nghị

Tạo mọi điều kiện cần thiết về cán bộ, kinh phí, thời gian và các điều kiện khác cho việc soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ dự án, dự thảo; khắc phục triệt để tình trạng gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội không đúng thời hạn; xây dựng dự thảo văn bản quy định chi tiết để các văn bản này có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Chính phủ cần sớm phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án do Chính phủ trình, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan tham gia soạn thảo; dành thời gian thoả đáng để thảo luận, cho ý kiến đối với dự án trình; chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ thực hiện đúng tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án trình.

Thứ hai, cơ quan chủ trì soạn thảo cần có trách nhiệm khẩn trương thành lập Ban soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh mới được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và năm 2017; sớm triển khai việc nghiên cứu, chuẩn bị dự án; trong đó quan tâm xác định rõ các chính sách, đánh giá tác động cụ thể của từng chính sách, dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành sau khi dự án được thông qua, bảo đảm dự án trình được chuẩn bị kỹ cả về nội dung và kỹ thuật văn bản; khắc phục tình trạng luật, pháp lệnh quy định chung chung, để lại nhiều nội dung quan trọng cho văn bản dưới luật quy định.

Có kế hoạch bảo đảm thực hiện đúng quy trình, tiến độ và chất lượng chuẩn bị dự án, dự thảo; thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thời hạn gửi dự án, dự thảo đến Bộ Tư pháp, Chính phủ, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội; đồng thời, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong suốt quá trình xây dựng dự án. Đề cao trách nhiệm trong suốt quá trình từ khâu soạn thảo, thẩm định đến khi xem xét, thông qua dự án, dự thảo. Trường hợp có ý kiến khác với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra thì cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan trình dự án có quyền báo cáo với Quốc hội để Quốc hội xem xét, quyết định.

Thứ ba, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ, tham gia ngay từ đầu với cơ quan trình, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để nâng cao hiệu quả của công tác thẩm tra, phát huy trách nhiệm của tập thể Thường trực cũng như của toàn thể Hội đồng, Ủy ban trong việc tham gia ý kiến vào các dự án; phối hợp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Thứ tư, cơ quan chủ trì thẩm tra cần công khai thông tin ngày họp thẩm tra và đưa tài liệu lên trang Intranet của Quốc hội để các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách không phải là thành viên cơ quan thẩm tra có thể đăng ký tham dự và phát biểu ý kiến tại các cuộc họp của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban về các dự án luật, pháp lệnh mà mình quan tâm. Cùng với đó, các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh.

Thứ năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành cần tiếp tục củng cố bộ máy giúp việc về công tác xây dựng pháp luật để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; huy động các chuyên gia, nhà khoa học giỏi tham gia vào quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện dự án; có cơ chế tài chính phù hợp, cung cấp thông tin đầy đủ phục vụ hoạt động lập pháp của Quốc hội.

Thứ sáu, Chính phủ, Bộ Tài chính cần bổ sung kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật, hướng dẫn các cơ quan được soạn thảo dự án tiến hành lập dự toán kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật trong nguồn ngân sách chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ Tư pháp cũng cho biết, sau khi điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo Nghị quyết số 22/2016/QH13 ngày 29/7/2016 của Quốc hội, trong năm 2016, các bộ, cơ quan ngang bộ phải phối hợp với các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý, đồng thời phải xây dựng mới để Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng cộng 38 dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, bao gồm 27 luật, nghị quyết của Quốc hội; 11 pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với năm 2017, Chính phủ sẽ phối hợp chỉnh lý và trình Quốc hội 29 dự án luật.

Để triển khai thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và năm 2017, Bộ Tư pháp đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc triển khai Chương trình năm 2016, 2017 và dành thêm thời gian cho việc thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh do Chính phủ trình. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có hình thức thích hợp chủ động phối hợp với các cơ quan soạn thảo, cơ quan, tổ chức trình dự án trong quá trình soạn thảo, thẩm tra và nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua; tăng cường tiến hành khảo sát, giám sát chuyên đề về lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của các dự án luật, pháp lệnh mà mình chuẩn bị thẩm tra.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Toà án nhân dân tối cao… báo cáo về tình hình chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2016 và năm 2017. Các báo cáo đều cho rằng đã hoàn thành việc trình các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 sau khi đã được điều chỉnh; khả năng bảo đảm tiến độ của các dự án luật, pháp lệnh là tương đối cao. Tính đến thời điểm hiện tại, cơ bản các dự án trình Quốc hội khoá XIV tại Kỳ họp thứ 2 đã được Chính phủ xem xét, thông qua để trình Quốc hội.

Sau khi xem xét, thảo luận, Hội nghị đã cơ bản nhất trí với Dự kiến phân công cơ quan trình, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan tham gia thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các tháng cuối năm 2016 và năm 2017; Dự kiến tiến độ Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2016 và năm 2017.

Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua.

Để triển khai tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội các tháng cuối năm 2016 và năm 2017, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, ngay sau Hội nghị, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2016 và năm 2017; Chính phủ cần sớm xây dựng kế hoạch phân công triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Quốc hội.

Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần bám sát Dự kiến phân công và Dự kiến tiến độ xây dựng luật, pháp lệnh. Thành phần Ban soạn thảo cần thực hiện theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, bảo đảm đủ thành phần, có cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, đại diện hiệp hội, đại diện đối tượng chịu sự tác động. Ngay từ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV tới đây, cần báo cáo cụ thể trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trước Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị, Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật cần tiếp tục đóng vai trò là “cơ quan gác cổng” cho Chính phủ, Quốc hội việc xây dựng thể chế, chính sách trong thời gian tới./.

Quang Minh