Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp Ảnh: Đình Nam
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20/7; Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về cơ cấu tổ chức và thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Thành phố Đà Nẵng và về việc chuyển Kênh truyền hình Quốc hội từ Đài tiếng nói Việt Nam về Văn phòng Quốc hội.
Với khối lượng công việc như trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiêm túc thực hiện quy chế làm việc, tích cực tham gia đóng góp ý kiến để đảm bảo chất lượng, thành công cho phiên họp.
Ngay sau phiên khai mạc, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.
Nền kinh tế đang trong đà phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tóm tắt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, phát sinh mới, nhất là những khó khăn do thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường biển gây cá chết hàng loạt, giá dầu thô có nhiều biến động khó lường… Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo tập trung của Trung ương Đảng, sự giám sát có hiệu quả của quốc hội và đại biểu Quốc hội, sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ, kịp thời thực hiện các giải pháp để tháo gỡ những vấn đề nổi cộm, bức xúc của nền kinh tế.
Cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn dân trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, tình hình kinh tế- xã hội có nhiều chuyển biến và phát triển, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,52%. Trong đó tốc độ tăng trưởng Quý II cao hơn Quý I. Khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện. Số doanh nghiệp thành lập mới cùng với số vốn đăng ký tăng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) tăng cao. Lạm phát được kiểm soát; lãi suất cho vay có xu hướng giảm; tín dụng đối với nền kinh tế tăng; tỷ giá ổn định; dự trữ ngoại hối tăng.
Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt. Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ các sự kiện chính trị của đất nước được tổ chức rộng khắp với nhiều nội dung phong phú. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự xã hội được đảm bảo. Bảo vệ an toàn các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, nhất là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021. Công tác trật tự an toàn giao thông tiếp tục được tăng cường. Công tác đối ngoai đạt nhiều kết quả quan trọng.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế- xã hội nước ta cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng GDP và sản xuất ngành nông nghiệp giảm sút mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tiến độ thu Ngân sách nhà nước đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu không đạt kế hoạch và tốc độ tăng thấp hơn 6 tháng đầu năm trước. Nhập khẩu thiết bị máy móc có xu hướng giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư phát triển và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Đặc biệt, chúng ta chưa phát huy được tiền năng xuất khẩu khi đã hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới, chưa phát huy được lợi thế khi tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Công tác bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém. Xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được triệt để. Tai nạn giao thông tuy giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng các vụ tai nạn nghiêm trọng có xu hướng tăng. Đời sống nhân dân vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng bị thiên tài còn nhiều khó khăn.
Thực hiện mạnh mẽ các giải pháp- Phấn đấu mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra
Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm và dự báo tình hình thế giới và trong nước, nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội kế hoạch năm 2016, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016- 2021. Báo cáo của Chính phủ đã đề ra 11 giải pháp cơ bản như:
Thứ nhất, thực hiện mạnh mẽ các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra là 6,7%.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Thứ ba, thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, phát triển mạnh thị trường trong nước. Chủ động và triển khai thực hiện và có hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là trong nội khối ASEAN, EU, Mỹ, Nhật, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết....
Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 8 tháng 7 năm 2016 về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, bảo đảm giải ngân có hiệu quả kế hoạch vốn đầu tư công được giao.
Thứ năm, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường; ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Thứ sáu, bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân.
Thứ bảy, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp.
Thứ tám, thực hiện kiên quyết các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để các vụ việc tồn đọng, kéo dài.
Thứ chín, theo dõi sát diễn biến, tình hình trên Biển Đông để chủ động có các phương án ứng phó kịp thời, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo và lợi ích quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, bảo đảm an toàn các hoạt động kinh tế biển và quyền lợi của ngư dân.
Thứ mười, triển khai toàn diện, hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ mười một, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền. Tăng cường thông tin và đối thoại của cơ quan nhà nước các cấp với các cơ quan thông tấn, báo chí để có sự đồng thuận trong toàn dân, tạo động lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển của đất nước.
Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường
Tại phiên họp, cơ bản nhất trí với nội dung trong Báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề xuất, kiến nghị thêm một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung trong thời gian tới như việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, các quy chuẩn về môi trường cho phù hợp với tình hình thực tế; tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư. Tăng cường kỷ luật ngân sách, giám sát chặt chẽ, bảo đảm tiến độ đầu tư, đẩy nhanh việc giải ngân các dự án, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng. Thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức BOT, điều chỉnh hợp lý biểu phí sử dụng dịch vụ để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Đề xuất các giải pháp mang tính lâu dài nhằm phòng chống và giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân. Thực thi các giải pháp, biện pháp mạnh mẽ nhất là quy trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai hiệu quả cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật thực thi công vụ…Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng nông thôn mới cho những địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn; Tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các chính sách người có công, an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; triển khai có hiệu quả các chương trình tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ hộ cận nghèo.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, chủ động bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích quốc gia và lợi ích người dân trên biển; kiên quyết đấu tranh theo luật pháp về biển đảo bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. Kiểm soát chặt chẽ, tăng cường phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chủ động trong công tác thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tăng cường quản lý của các cơ quan chủ quản báo chí, đặc biệt với những loại hình mới, hoàn thành việc quy hoạch báo chí theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khoá XI về Đề án Quy hoạch và Phát triển báo chí đến năm 2025.