Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm, làm việc tại tỉnh Cao Bằng

22/06/2016

Ngày 21/6, Đoàn công tác của Quốc hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Cao Bằng, kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Cao Bằng        Ảnh: TTXVN

Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến; Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường; cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương. 

Là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, Cao Bằng có 12 huyện và 1 thành phố, với đường biên giới dài trên 333km. Hiện nay, dân số trên toàn tỉnh khoảng 51 vạn người, với 95% là người dân tộc thiểu số. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Cao Bằng trong phát triển kinh tế- xã hội những năm qua. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong khó khăn của một tỉnh vùng cao, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, Cao Bằng đã có những chương trình hành động, xác định mục tiêu cụ thể và đề ra giải pháp thực hiện. 

Từ đầu năm đến nay, sản xuất nông, lâm nghiệp tiếp tục phát triển; công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được tập trung triển khai, không có dịch bệnh lớn xảy ra; công tác quản lý rừng cũng được quan tâm chỉ đạo. Trong sản xuất công nghiệp, tỉnh chủ động tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để chỉ ra những khó khăn nhằm giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp. 

Sáu tháng đầu năm 2016 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt hơn 1.080 tỷ đồng. Thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu được tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đồng thời tỉnh tập trung chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, điểm nổi bật trong kết quả tổng quan của Cao Bằng là kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển hạ tầng đô thị khá hơn vùng nông thôn. Cùng với đó, bộ mặt nông thôn cũng đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Thời gian tới, do nguồn lực có hạn, Cao Bằng phải xác định thứ tự mục tiêu ưu tiên phát triển, trong đó chú trọng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. 

Chủ tịch Quốc hội biểu dương Cao Bằng đã đi tiên phong trong việc tìm hiểu tình hình sản xuất, nhu cầu thị trường xuất khẩu nông sản, song lưu ý tỉnh cần có giải pháp rà soát nhiệm vụ, khắc phục những hạn chế như chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm... 

Đối với đề nghị của tỉnh về đẩy mạnh liên kết vùng gắn với kết nối tuyến giao thông vùng, giao thông quốc tế để mở cơ hội giao thương, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là đề nghị cần được nghiên cứu nghiêm túc; đồng thời phải được đặt trong quy hoạch chung và phải nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn mới được đầu tư trong giai đoạn tới. 

Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận đối với Cao Bằng sẽ là khá khó khăn khi có đến 177/199 xã tham gia chương trình nhưng 5 năm qua chỉ có 2 xã được công nhận. Với mục tiêu đặt ra trong năm 2016 có thêm 4 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới thì tổng số xã nông thôn mới của Cao Bằng mới là 6 xã. Như vậy, đến năm 2020 Cao Bằng sẽ khó đạt mục tiêu đề ra trong chương trình và đây sẽ là áp lực rất lớn. 

Đối với đề nghị của Cao Bằng về vốn bổ sung xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các tiêu chí, chính sách đầu tư đã được ban hành trên cả nước nhưng Cao Bằng với nguồn lực yếu và thiếu thì nhu cầu vốn là cần thiết. Tuy nhiên, với trách nhiệm của Quốc hội khi phân bổ nguồn lực, Chủ tịch Quốc hội khẳng định sẽ cân nhắc xem xét quyết định về vốn cho các địa phương trên cả nước trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới, trong đó có Cao Bằng. 

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã làm việc tại xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, Cao Bằng. Ghi nhận những kết quả kinh tế- xã hội tại huyện Hòa An, xã Nam Tuấn, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Hòa An là huyện nằm ở vị trí trung tâm tỉnh Cao Bằng, sản xuất nông, lâm nghiệp đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. 

Là huyện miền núi, vùng cao còn nghèo nhưng chất lượng giáo dục của Hòa An từng bước được nâng lên. 21/21 xã, thị trấn trong huyện đạt chuẩn và duy trì phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân có những chuyển biến tích cực. Tất cả các xã ở Hòa An đều có trạm y tế. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản- kế hoạch hóa gia đình được quan tâm, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Về chương trình xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Hòa An đã thu được những kết quả nhất định, bộ mặt nông thôn có chuyển biến tích cực, đường làng ngõ xóm được chỉnh trang. Đời sống nhân dân được cải thiện. Chương trình đã góp phần huy động sự tham gia, đóng góp của đông đảo nhân dân. Bà con đã nhiệt tình hưởng ứng hiến đất cho công trình, đóng góp ngày công, vật liệu… để làm đường giao thông, thủy lợi. 

Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện chủ trương phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; trong đó cây thuốc lá nguyên liệu tiếp tục ổn định ở các xã, diện tích gieo trồng dao động khoảng 1.800 ha, sản lượng đạt khoảng 4.000 tấn/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp ở Hòa An đạt 52,7 triệu đồng/ha. Huyện đã có nhiều cánh đồng đạt 80-100 triệu đồng/ha, đặc biệt có những cánh đồng đạt 150 triệu đồng/ha. Huyện chú trọng phát triển một số loại cây ăn quả, trong đó có cây táo; phục tráng cây cam Trưng Vương, cây quýt Hà Trì bước đầu thành công.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trên địa bàn huyện hiện chưa có xã nào đạt 19 tiêu chí về nông thôn mới. Năm 2015- 2016, trung bình mỗi xã của Hòa An đạt 6,8 tiêu chí. Theo đó, thời gian tới Hòa An cần khắc phục khó khăn của địa bàn huyện miền núi, vùng cao, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, giữ vững và nâng cao chất lượng, kết quả kinh tế- xã hội đã đạt được. 

Cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao (35,7%), cùng với khó khăn từ hộ nghèo và cận nghèo (13,4%), cho đến hạ tầng, giao thông bị xuống cấp sẽ là những áp lực lớn với Hòa An, Chủ tịch Quốc hội đề nghị huyện cần nỗ lực phấn đấu hơn nữa để khắc phục, góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, xã Nam Tuấn sẽ sớm hoàn thành 4 tiêu chí còn lại, trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Hòa An. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó                Ảnh: TTXVN

Trước đó, sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã tới thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Chủ tịch Quốc hội đã dâng hoa, dâng hương, trồng cây lưu niệm tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm hang Cốc Bó, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ ngày 8/2/1941 đến cuối tháng 3/1941. Ghi lưu bút tại Khu di tích, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân viết: “Các thế hệ người Việt Nam đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại. Bác ơi, về đây nhớ Bác không nguôi. Non xanh, nước biếc tưởng Người còn đây!” 

Tại Hà Quảng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã đến thăm cụ Hoàng Thị Khìn, lão thành cách mạng tại làng Pác Bó, xã Trường Hà. Cụ Hoàng Thị Khìn năm nay 95 tuổi, người dân tộc Nùng, từng tham gia tiếp tế, chăm sóc Bác Hồ trong thời gian Người sống và làm việc tại Pác Bó./. 

VN+