Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng chủ trì cuộc họp Nhóm thảo luận không chính thức về bình đẳng giới năm 2014

29/10/2014

Chiều 28.10, tại trụ sở VPQH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã chủ trì Cuộc họp Nhóm thảo luận không chính thức về bình đẳng giới năm 2014 với chủ đề Nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu cơ quan dân cử.

Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Chủ tịch Nhóm nữ ĐBQH Việt Nam Trương Thị Mai; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Phạm Thị Hải Chuyền; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa; Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Pratibha Mehta và Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Camilla Mellander, đồng chủ tọa Nhóm điều phối không chính thức của các Đại sứ và đại diện các cơ quan quốc tế về Bình đẳng giới; Trưởng đại diện Tổ chức phụ nữ của Liên Hợp Quốc Shoko Ishikawa...


Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng chủ trì cuộc họp Nhóm thảo luận không chính thức về bình đẳng giới năm 2014
Phát biểu tại cuộc họp, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng hoan nghênh sáng kiến tổ chức Nhóm thảo luận không chính thức thường niên về bình đẳng giới để trao đổi thông tin, thảo luận, đối thoại về những vấn đề các bên cùng quan tâm liên quan đến bình đẳng giới. Phó chủ tịch QH cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong giải quyết những vấn đề đặt ra về bình đẳng giới. Phó chủ tịch QH nêu rõ, trong những năm qua, Việt Nam luôn ý thức rằng bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là nhân tố góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các chính sách và khung pháp lý cơ bản thúc đẩy quyền con người, bảo đảm bình đẳng giới. Đặc biệt, QH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các chính sách và khung pháp lý cơ bản nhằm thúc đẩy thực hiện quyền con người, bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Gần đây nhất, năm 2013, Việt Nam đã thông qua Hiến pháp mới trong đó dành một chương quy định về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có quyền phụ nữ. Trước đó, Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và nhiều đạo luật có liên quan khác. Chính phủ cũng đã ban hành mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, tổ chức triển khai và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, Phó chủ tịch QH cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện vẫn còn khoảng cách giữa quy định pháp luật và thực tiễn. Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ tham gia QH, HĐND chưa tương xứng với năng lực, sự phát triển của lực lượng lao động nữ và việc thực hiện mục tiêu mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: phấn đấu đến năm 2020, nữ ĐBQH và HĐND các cấp từ 35% đến 40%.

Tại cuộc họp, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Pratibha Mehta cho rằng, những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong lĩnh vực bình đẳng giới, thực hiện rất tốt các mục tiêu chung về bình đẳng giới so với các nước. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn có thể đạt được những kết quả tốt hơn nữa. Việc tổ chức đối thoại không chính thức lần đầu tiên với các cơ quan của Việt Nam về bình đẳng giới lần này là cơ hội tốt để bàn các hành động cụ thể Việt Nam cần làm trong thời gian tới để đạt được những quy định trong Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Năm 2015, Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức đánh giá việc thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), đánh giá 20 năm việc thực hiện Cương lĩnh Bắc Kinh về vấn đề bình đẳng giới...

Các đại biểu dự cuộc họp đã thảo luận, đánh giá về tỷ lệ phụ nữ trong cơ quan dân cử, các rào cản đối với việc thực hiện mục tiêu; đưa ra các giải pháp hữu hiệu để vượt qua các rào cản này về quy định của pháp luật, tổ chức thực hiện và ý thức xã hội để ngày càng nhiều phụ nữ tham gia các thiết chế dân cử.

(Theo Đại biểu Nhân dân)