Chiều 25/10, thảo luận về kết quả công tác phòng chống vi phạm pháp luật, tội phạm, Báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Báo cáo về công tác thi hành án, các đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân.
Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ công chức
Những ý kiến phát biểu tại buổi thảo luận chiều nay tán thành với những nội dung trong các Báo cáo về phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, báo cáo công tác của các ngành Kiểm sát và Tòa án về diễn biến, tình hình tội phạm và những vấn đề cần đặt ra trong công tác phòng chống tội phạm thời gian tới.
Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có nhiều biện pháp xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm pháp luật và tội phạm; hạn chế những nguyên nhân chủ quan làm phát sinh tội phạm như tham nhũng, hối lộ, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức.
Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) bày tỏ bức xúc trước thực trạng thời gian qua có tình trạng đội ngũ công chức, cán bộ Nhà nước đánh nhau vì say rượu, thậm chí vì những cái nhìn không vừa mắt làm cho người dân bức xúc. Có nhiều biểu hiện cán bộ, công chức làm sai nhưng không được xử lý nghiêm minh và chưa được đề cập sâu trong các báo cáo.
Đại biểu đề nghị Quốc hội xây dựng Luật giám sát Hội đồng Nhân dân để tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức trong công tác, lối sống; Chính phủ cần tăng cường thực thi các biện pháp rèn luyện phẩm chất đạo đức cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các sai phạm.
Tăng cường tấn công, trấn áp tội phạm
Trong công tác truy tố, xét xử, một số ý kiến tại buổi thảo luận cho rằng, thời gian qua, số vụ tội phạm tham nhũng bị trả hồ sơ tăng lên, hoạt động tranh tụng tại một số cấp xét xử còn hình thức, hạn chế.
Số bản án bị kháng cáo, kháng nghị tăng; số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn tồn đọng lớn, một số vụ án nghiêm trọng từ nhiều năm vẫn chưa được giải quyết triệt để… chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Các đại biểu cũng đề cập đến tình trạng quá tải trong các trại tạm giam, trại giam.
Đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) nhấn mạnh, có nơi, có thời điểm còn tình trạng bỏ lọt tội phạm, để xảy ra oan sai trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; tội phạm nghiêm trọng vẫn liên tiếp xảy ra.
Lý giải nguyên nhân gia tăng tội phạm, đại biểu Vũ Chí Thực cho rằng, xu hướng phát triển của xã hội, khủng hoảng kinh tế kéo dài đã ảnh hưởng đến một bộ phận người dân... dễ dẫn đến hoạt động phạm pháp.
Đáng chú ý, công tác quản lý nhà nước còn nhiều sơ hở chưa khắc phục kịp thời là kẽ hở để tội phạm lợi dụng, hoạt động. Bên cạnh đó, ý thức cảnh giác và tố giác tội phạm của người dân chưa cao cũng góp phần tạo điều kiện nảy sinh tội phạm.
Kiến nghị những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, đại biểu Vũ Chí Thực đề nghị Quốc hội cần ban hành các văn bản tạo điều kiện cho lực lượng chuyên trách đủ sức tấn công tội phạm; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo hơn nữa đến đời sống nhân dân; bịt kín các sơ hở, thiếu sót trong quản lý Nhà nước, hạn chế nguyên nhân phát sinh tội phạm.
Các đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng); Ngô Văn Hùng (Lào Cai); Phạm Trường Dân (Quảng Nam) đề nghị Quốc hội và Chính phủ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân.
Đại biểu Phạm Trường Dân đặt vấn đề: thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn là khâu yếu, hiệu quả chưa đáp ứng mong đợi của nhân dân, nhất là việc sử dụng các công cụ như kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, mặc dù phát hiện nhiều vi phạm nhưng việc kiến nghị, xử lý thiếu kiên quyết, cần điều chỉnh lại.
Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn trước thực trạng tội phạm có nguyên nhân xã hội, tội phạm thanh thiếu niên, vị thành niên trong gia đình và nhà trường tăng cao… kỷ cương pháp luật không nghiêm, đạo đức xuống cấp nhiều năm qua nhưng chậm được khắc phục.
Cuối giờ chiều nay, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về tình hình Biển Đông.