PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: BẢO ĐẢM RÕ RÀNG, KHÁI QUÁT VÀ TÍNH ĐẶC THÙ KHI XÂY DỰNG QUY ĐỊNH VỀ HÀNH VI THAM NHŨNG, TIÊU CỰC, LỢI ÍCH NHÓM TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

20/07/2023

Sáng 20/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Trưởng Ban soạn thảo chủ trì phiên họp của Ban soạn thảo Xây dựng quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công công tác xây dựng pháp luật.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP CỦA BAN SOẠN THẢO XÂY DỰNG QUY ĐỊNH CỦA BỘ CHÍNH TRỊ LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp 

Tham dự phiên họp có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga – Phó trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo; Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh. Cùng dự phiên họp có Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Văn Hiển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường và đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện các ban ngành, cơ quan hữu quan là thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo phân công của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực giao Đảng đoàn Quốc hội chủ trì xây dựng quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Đảng đoàn Quốc hội đã thành lập Ban soạn thảo. Trong quá trình thực hiện, Ban soạn thảo làm việc nghiêm túc, thận trọng, nghiên cứu tiếp thu tài liệu, soạn thảo dự thảo, lấy các ý kiến của các cơ quan có liên quan và trình Bộ Chính trị cho ý kiến. Đồng thời, tổ chức các hội thảo, lấy ý kiến 63 tỉnh ủy, thành ủy, các thành viên trong Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, dự thảo quy định đã được lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, trình Đảng đoàn Quốc hội thảo luận cho ý kiến.

Tại phiên họp, các thành viên Ban soạn thảo tiếp tục trao đổi, thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội và các ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan. Trên cơ sở đó hoàn thiện dự thảo và các tài liệu liên quan đến trình Đảng đoàn Quốc hội để trình Bộ Chính trị.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận các ý kiến phát biểu tại phiên họp cụ thể, sâu sắc, thiết thực và cơ bản tiếp thu để hoàn thiện dự thảo.

Các thành viên Ban soạn thảo tham dự phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh việc xây dựng quy định của Bộ Chính trị là nhiệm vụ hết sức quan trọng được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ Chính trị giao. Nhiệm vụ này cũng nằm trong chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập Ban soạn thảo, có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó tiếp tục khẳng định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023 trình Bộ Chính trị.

Thời gian qua, Ban soạn thảo đã làm việc khẩn trương và liên tục từ khi được thành lập đến nay để biên soạn và hoàn thiện dự thảo quy định để trình Đảng đoàn Quốc hội để trình Bộ Chính trị. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao sự tham gia tích cực của các thành viên Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tham gia góp ý trong quá trình xây dựng dự thảo. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp

Qua thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ban soạn thảo đánh giá cao cơ quan thường trực của Ban soạn thảo là Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Tổ biên tập trong quá trình tiếp thu các ý kiến góp ý và hoàn thiện dự thảo. Ghi nhận dự thảo đã bám sát nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Bộ Chính trị giao, bám sát Kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội, phù hợp về phạm vi, nội dung và yêu cầu; đồng thời đã tiếp thu rộng rãi các ý kiến của các tỉnh ủy, thành ủy, các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố trong cả nước, các cơ quan, tổ chức liên quan ở trung ương và địa phương với gần 100 cơ quan.

Tại phiên họp, các ý kiến trong Ban soạn thảo thống nhất với các nội dung của dự thảo quy định quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công công tác xây dựng pháp luật; đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ dự thảo được chuẩn bị nghiêm túc, công phu; thống nhất giao Thường trực Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp tục nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn chỉnh hồ sơ trình Đảng đoàn Quốc hội.

Các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tham dự phiên họp

Đa số ý kiến các thành viên Ban soạn thảo thống nhất về tên gọi, kết cấu của dự thảo với 4 chương gồm các quy định chung, chương về kiểm soát quyền lực, chương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ và điều khoản thi hành. Các ý kiến cũng cơ bản thống nhất với quy định về nguyên tắc kiểm soát quyền lực, bảo đảm phù hợp với quy định của Đảng, không mâu thuẫn với văn bản của Nhà nước và thống nhất với các quy định liên quan; thống nhất về quy định nội dung xin ý kiến cấp ủy của văn bản, về thời điểm và chủ thể xin ý kiến bảo đảm phù hợp với quy chế làm việc của Trung ương, cấp ủy và phù hợp với thực tiễn.

Về các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết cơ quan soạn thảo đã hệ thống hóa và tổng hợp các quy định hiện hành của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cập nhật các quy định mới nhất của Đảng và Luật Phòng, chống tham nhũng, hướng dẫn của Ban Nội chính Trung ương. Đồng thời lưu ý rằng, công tác xây dựng pháp luật là hoạt động lao động có tính sáng tạo, vừa là lĩnh vực thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng vừa có những đề xuất, sáng kiến mới. Quá trình xây dựng pháp luật yêu cầu tính dân chủ cao, có nhiều cơ quan tham gia, nhiều công đoạn khác nhau, nhiều trình tự, thủ tục, nhiều bước. Do đó, hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật có những đặc thù khác với tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ nói chung.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu làm rõ để quy định cụ thể hơn về các hành vi này, tránh quá rộng và không khả thi, tập trung vào những vấn đề vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh tinh thần thể hiện của quy định về hành vi phải bảo đảm rõ ràng, gọn và khái quát. Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định về biện pháp xử lý, xác định trách nhiệm, loại trừ trách nhiệm…bảo đảm dễ hiểu, khả thi, tránh cách hiểu khác nhau.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành thảo luận

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu

Đại diện Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường phát biểu giải trình, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác