GS.TS Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Tọa đàm “Góp ý Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)”
Tọa đàm “Góp ý Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức nhằm tham vấn ý kiến góp ý trực tiếp vào Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Theo chương trình làm việc, tới đây Dự thảo Nội quy kỳ họp (sửa đổi) sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022.
Tham dự Tọa đàm có: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí nguyên Lãnh đạo Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp;… Đồng thời, Tọa đàm còn có sự tham dự các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nhà nước và pháp luật.
Nội quy kỳ họp Quốc hội được ban hành năm 2015 trong bối cảnh vị trí, vai trò của Quốc hội ngày càng được củng cố, tổ chức và hoạt động từng bước đổi mới. Nội quy đã từng bước cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy trình, thủ tục. Tuy nhiên, qua gần 07 năm thi hành, Nội quy đã bộc lộ những hạn chế, bất cập khi các luật có liên quan như Luật tổ chức Quốc hội, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân…, phương thức hoạt động của Quốc hội không ngừng được đổi mới, cải tiến để đáp ứng yêu cầu chuẩn bị từ sớm, từ xa, thích ứng linh hoạt trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.
GS.TS Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Tọa đàm
Tham dự cùng các chuyên gia, nhà khoa học tại buổi Tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, triển khai Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của UBTVQH về thực hiện Kết luận số 19-KL/TW, … việc tổng kết, tiến hành sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội nhằm tạo hành lang pháp lý để tiếp tục “Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội” như chủ trương đề ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, kỳ họp Quốc hội là hình thức làm việc chủ yếu của Quốc hội. Tại Quốc hội khóa XV, nhiều nội dung mới trong quy trình, thủ tục tiến hành kỳ họp Quốc hội đã phải xin ý kiến Quốc hội cho thực hiện thí điểm nhằm thích ứng với bối cảnh mới (sự xuất hiện của đại dịch Covid-19). Do đó, việc sửa đổi Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội lại càng trở nên cấp thiết.
Với ý nghĩa, tầm quan trọng của Nội quy Kỳ họp Quốc hội trong việc tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng tại Tọa đàm sẽ tham vấn được nhiều ý kiến sát thực, sâu sắc , tâm huyết của các quý vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học nhằm sửa đổi Nội quy Kỳ họp đạt chất lượng cao nhất, đáp ứng được các mục tiêu đề ra.
Toàn cảnh Tọa đàm
Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã trao đổi thẳng thắn, đi sâu vào một số vấn đề trọng tâm như: Phạm vi điều chỉnh; Những quy định chung trong Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Phiên họp tại Kỳ họp Quốc hội; Quy trình, thủ tục Quốc hội quyết định cơ cấu tổ chức và nhân sự; ..
Bên cạnh đó, góp ý tại Tọa đàm, các chuyên gia cũng nêu quan điểm về nội dung giải trình ở Tổ trước phiên thảo luận tại Hội trường; Quy định về gửi tài liệu phục vụ kỳ họp; Về quyền, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tại kỳ họp;… Đồng thời, đề xuất các giải pháp lớn để bảo đảm dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, trọng tâm nhất là phát huy vai trò và trách nhiệm của ĐBQH, tiếp tục cải tiến cách thức điều hành, chuyển đổi mạnh mẽ từ cơ chế tham luận, thảo luận sang tranh luận; nâng cao tính chuyên nghiệp, pháp quyền qua việc quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể, tăng cường kỷ luật, kỷ cương kỳ họp Quốc hội;…
Qua thảo luận, các chuyên gia đều cho rằng, sau gần 07 năm thi hành, Nội quy kỳ họp Quốc hội đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, việc sửa đổi, bỏ sung Nội quy năm 2015 phải hoàn thiện các quy định liên quan đến kỳ họp Quốc hội theo hướng quy định cụ thể những quy trình, thủ tuc tại kỳ họp chưa được quy định tại các luật chuyên ngành; những quy trình, thủ tục về các vấn đề cụ thể đã được quy định tại các luật chuyên ngành thì chỉ dẫn chiếu tại dự thảo Nghị quyết để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật….
Cũng tại tọa đàm, một số chuyên gia kiến nghị, theo kinh nghiệm các nước, nghị viện một số nước có luật riêng về trình tự, thủ tục làm việc ở nghị viện. Ở nước ta, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “”Quốc hội ban hành luật để quy định về tổ chức và hoạt động của Quốc hội…” (khoản 1, Điều 15). Trên thực tế, Luật Tổ chức Quốc hội chỉ tập trung quy định về tổ chức và một chương quy định về kỳ họp, chưa có sự quy định đầy đủ về trình tự, thủ tục làm việc của Quốc hội. Do đó, về lâu dài, có thể nghiên cứu ban hành Luật về trình tự, thủ tục tiến hành kỳ họp Quốc hội hoặc Luật về Nội quy kỳ họp Quốc hội.
PGS.TS Lê Minh Thông, Nguyên PCN Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm của các đồng chí nguyên Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Văn phòng Quốc hội sau Tọa đàm, nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Quy chế; đề nghị Viện NCLP xây dựng báo cáo kết quả Tọa đàm gửi đến lãnh đạo Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội để phục vụ việc thảo luận, cho ý kiến và xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)./.