PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ PHIÊN HỌP TOÀN THỂ ỦY BAN KINH TẾ THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI)

09/08/2022

Sáng 09/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hội Vũ Hồng Thanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)

Quang cảnh phiên họp

Cùng dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan hữu quan và các chuyên gia, nhà quản lý hrong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2012, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền, tạo hành lang pháp lý quan trọng quốc gia cho phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tham nhũng, thể hiện cam kết, nỗ lực của Việt Nam trong tham gia và tuân thủ các điều ước quốc tế. Qua gần 10 năm tổ chức triển khai thực hiện, công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam có nhiều thành tựu quan trọng trong đó có hệ thống cơ chế chính sách, quy định pháp luật trong lĩnh vực này dần được hoàn thiện, quy định phòng ngừa tội phạm tài trợ khủng bố, rửa tiền đã được tăng cường, tạo cơ sở pháp lý cho đàm phán kí kết thảo thuận quốc tế và phòng chống tối phạm xuyên biên giới.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu khai mạc phiên họp

Bên cạnh đó, quá trình tổ chức thực hiện xuất hiện một số bất cập, chưa đáp ứng được theo những nội dung mới của Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết thêm, tại Hội nghị toàn thể của FATF vào tháng 3/2022 đã thông qua Báo cáo đánh giá đa phương về công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam. Báo cáo này nhận định khuôn khổ pháp lý, quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam vẫn còn những thiếu hụt, không đáp ứng hoặc mới đáp ứng được một phần tại 27/40 Khuyến nghị của FATF và về hiệu quả thực thi phần lớn được đánh giá ở mức trung bình và thấp. Với kết quả đánh giá đa phương này, Việt Nam đã bị đưa vào quy trình rà soát tăng cường sau đánh giá đa phương của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG) và quy trình rà soát các nước có thiếu hụt nghiêm trọng của FATF. Trong vòng 12 tháng, nếu không khắc phục những thiếu hụt, không thể hiện được sự tiến bộ, không đáp ứng các yêu cầu về cải thiện khuôn khổ pháp lý, Việt Nam sẽ bị đưa vào Danh sách các nước có thiếu hụt nghiêm trọng về phòng, chống rửa tiền (gọi tắt là Danh sách Xám). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh làm rõ: một khi bị đưa vào Danh sách Xám thì nền kinh tế sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực, giảm sút đáng kể luồng vốn đầu tư của nước ngoài, đồng thời các giao dịch tài chính ra nước ngoài của các tổ chức tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán...) sẽ bị các nước tính phí cao hơn và giao dịch sẽ phải chịu sự rà soát tăng cường.

Để khắc phục những thiếu hụt được xác định trong Báo cáo đánh giá đa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, trong đó có nội dung sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền. Với tính chất cấp bách của vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo Quốc hội để đưa dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và sửa đổi, bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và xem xét thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp. Ủy ban Kinh tế được giao chủ trì thẩm tra dự án luật này.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình bày Tờ trình dự án luật

Trình bày Tờ trình dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, dự thảo Luật gồm 4 Chương, 54 Điều (trong đó, bổ sung mới 09 Điều; sửa đổi 43 Điều và hủy bỏ 07 Điều; giữ nguyên 02 Điều. Về cơ bản, dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật năm 2012, theo đó phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền và hợp tác quốc tế, phòng, chống rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. 

Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền; sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin nhận biết khách hàng, xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba; dự thảo Luật sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ, đối với hoạt động trung gian thanh toán… Dự thảo Luật bổ sung quy định về nghĩa vụ thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia, ngành về rửa tiền. Đánh giá rủi ro quốc gia là cơ sở để quốc gia tập trung nguồn lực một cách hiệu quả vào các lĩnh vực ưu tiên/các lĩnh vực rủi ro cao về rửa tiền và tài trợ khủng bố. Cùng với đó, việc bổ sung quy định đánh giá rủi ro ngành hỗ trợ cho các cơ quan quản lý trong việc thực hiện công tác thanh tra, giám sát về phòng chống rửa tiền đối với các ngành, lĩnh vực.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều nhất trí việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là cần thiết, nhằm phù hợp với các nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố của khu vực cũng như trên toàn thế giới. Đồng thời, việc này cũng phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm khắc phục những hạn chế của các quy định của pháp luật, qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng chống rửa tiền, góp phần thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

Các đại biểu tại phiên họp

Các đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp tích cực với cơ quan chủ trì thẩm tra để tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật đáp ứng yêu cầu chất lượng cao nhất để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 tới. Theo đó, cần bổ sung thuyết minh để làm rõ những nội dung mới trong dự thảo luật, các nội dung liên quan đến các luật khác trong hệ thống pháp luật, cung cấp thông tin về Chương trình hành động của Chính phủ, chỉ rõ những nội dung khắc phục, cập nhất theo FATF để đại biểu Quốc hội hiêu hơn về công tác phòng, chống rửa tiền. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc xem xét thảo luận thông qua luật mà có ý nghĩa trong tổ chức thực hiện trên thực tế. Đồng thời lưu ý cách trình bày thể hiện dễ hiểu, dễ tiếp cận. Các đại biểu cũng nhấn mạnh đây là dự án luật khó, thời gian xem xét thông qua luật gấp rút. Điều này đòi hỏi sự công phu, kỹ lưỡng trong công tác chuẩn bị bảo đảm chất lượng tốt nhất trình Quốc hội.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật; đồng thời đề nghị các cơ quan tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, các báo cáo thuyết minh chi tiết, báo cáo đánh giá tác động...Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải để nghị Ban soạn thảo lưu ý làm rõ sự cần thiết ban hành luật nhấn mạnh yêu cầu xây dựng luật nhằm bảo đảm chủ quyền quốc gia về tài chính, tiền tệ, bảo đảm an ninh tiền tệ trong nước, phòng, chống tội phạm và tham nhũng, tiêu cực là những yêu cầu hàng đầu. Sau đó là bảo đảm phù hợp với các yêu cầu quốc tế, khắc phục một số tồn tại hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý.

Phó Chủ tich Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị có báo cáo đánh giá khát quát những kết quả đạt được trong công tác quản lý kinh tế vĩ mô thời gian qua, như trong quản lý thị trường vàng, thị trường ngoại tế...góp phần chống đầu tư, lành mạnh thị trường. Đây là những nội dung quan trọng để các đại biểu Quốc hội hình dung bức tranh tình hình tài chính, tiền tệ quốc gia và những nhiệm vụ trong phòng chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng. 

Nhấn mạnh áp lực để xem xét thông qua dự án Luật này tại 1 kỳ họp là rất lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cần tích cực phối hợp, sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, chú trọng thuyết minh, giải trình để các đại biểu Quốc hội tiếp cận đầy đủ, toàn diện để có đủ cơ sở, căn cứ để xem xét, thông qua./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác