PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI UÔNG CHU LƯU CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ BA ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM

28/02/2020

Sáng ngày 28/02, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” họp Phiên thứ ba để cho ý kiến Báo cáo kết quả giám sát. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu – Trưởng Đoàn giám sát chủ trì Phiên họp.

Tham dự phiên họp còn có Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga – Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát sát; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình - Phó trưởng Đoàn giám sát; Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải – Phó Trưởng Đoàn giám sát; cùng các thành viên Đoàn giám sát, đại diện các cơ quan, ban ngành hữu quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu – Trưởng Đoàn giám sát chủ trì phiên họp thứ ba, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” 

Trình bày tóm tắt Dự thảo báo cáo Kết quả giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em từ 01/01/2015 đến 30/6/2019”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thủy - Thành viên Đoàn giám sát, cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, số lượng trẻ em trên toàn quốc tính đến 30/6/2019 là 24.776.733 trẻ, chiếm gần 25,75% tổng dân số cả nước. Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của các ngành, các cấp, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác trẻ em đã có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, bảo đảm và thúc đẩy ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em.

Tuy nhiên, tình hình công tác trẻ em vẫn còn những hạn chế, khó khăn, dẫn đến số lượng trẻ em có nguy cơ bị xâm hại còn cao. Qua giám sát cũng cho thấy, tại Trung ương cũng như nhiều địa phương, việc theo dõi, thống kê số lượng trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện chưa đầy đủ; bên cạnh đó, với tính chất đặc thù của các vụ việc xâm hại trẻ em dẫn đến số vụ việc xâm hại trẻ em bị phát hiện, xử lý được nêu trong các báo cáo đều chưa phản ánh đúng, đủ tình hình xâm hại trẻ em trên thực tế.

Ngoài các vụ việc xâm hại trẻ em đã bị phát hiện, xử lý nêu trên còn một số lượng lớn trẻ em bị xâm hại bằng các hình thức khác nhưng chưa được Chính phủ thống kê vào số vụ xâm hại trẻ em đã bị phát hiện và xử lý trẻ bị sử dụng lao động trái pháp luật, bị bỏ rơi, bỏ mặc, tảo hôn… Các hành vi xâm hại trẻ em dưới mọi hình thức đều để lại những hậu quả nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài với trẻ em cũng như gia đình trẻ em.

Về việc ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Đoàn giám sát nhận thấy, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đã được Chính phủ, các bộ, ngành chức năng quan tâm và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các văn bản được ban hành cơ bản đã thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Một số địa phương, tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân có văn bản, nghị quyết riêng về công tác chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em. Một số địa phương có những chỉ đạo quyết liệt trong các văn bản như xác định trách nhiệm của người đứng đầu nếu có vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ phát biểu tại phiên họp

Bên cạnh kết quả đạt được, Chính phủ còn chậm ban hành chính sách khuyến khích các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia trợ giúp, chăm sóc trẻ em bị xâm hại. Một số chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là xâm hại trẻ em quy định tại các Nghị định chưa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tuy được quan tâm, ban hành văn bản hướng dẫn song chưa đáp ứng yêu cầu. Các ngành tố tụng chưa ban hành văn bản hướng dẫn sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình giải quyết vụ án xâm hại tình dục trẻ em. 

Dự thảo Báo cáo cũng chỉ ra kết quả, hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống xâm hại trẻ em; công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh; công tác thanh tra kiểm tra; xử lý tội phạm xâm hại trẻ em và công tác tổ chức cán bộ; làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của từng chủ thể và rút ra 6 bài học kinh nghiệm; đề ra các giải pháp, kiến nghị có tính tổng thể, trong đó xác định lộ trình và thời hạn hoàn thành đối với một số nhiệm vụ quan trọng. 

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao báo cáo của Đoàn giám sát. Báo cáo đã nêu rõ thực trạng về tình hình trẻ em bị xâm hại trong thời gian qua cũng như những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật và việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Từ đó đã làm rõ nguyên nhân những kết quả đạt được và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, xác định trách nhiệm của từng chủ thể. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng báo cáo cần ngắn gọn, cô đọng hơn nữa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu - Trưởng Đoàn giám sát kết luận phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu - Trưởng Đoàn giám sát, khẳng định dự thảo Báo cáo đã bám sát đề cương, chặt chẽ, khoa học, logic. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần cân nhắc số liệu bảo đảm tính khách quan, chính xác; đồng thời, giao Tổ giúp việc tiếp thu, tổng hợp lại các ý kiến phát biểu của các thành viên Đoàn giám sát để hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong thời gian tới.

Dự kiến báo cáo sẽ được trình chiếu trước Quốc hội bằng video clip, do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổ giúp việc phối hợp chặt chẽ với Truyền hình Quốc hội Việt Nam xây dựng và hoàn thiện video clip sát với báo cáo và phản ánh đúng thực trạng về tình hình trẻ em bị xâm hại trong thời gian qua cũng như những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật và việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em./.

Trọng Quỳnh