PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI PHÙNG QUỐC HIỂN LÀM VIỆC VỚI BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VỀ AN NINH NGUỒN NƯỚC

26/02/2020

Chiều ngày 26/02 tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự và chỉ đạo buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về "An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập gắn với bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn" với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghiệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Hồng Hà; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cùng đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Tài chính và Ngân sách, Ủy ban Kinh tế, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường…

Đoàn giám sát của Quốc hội về "An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập gắn với bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn" làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường

Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước mặt khá phong phú cả về lượng mưa, nguồn nước mặt trong các hệ thống sông, hồ. Lượng mưa trung bình năm của Việt Nam khoảng 1.940-1.960 mm (tương đương tổng lượng nước khoảng 640 tỷ m3 nước/năm), thuộc số quốc gia có lượng nước mưa lớn trên thế giới. Tuy nhiên, tài nguyên nước lại không phân bố đồng đều.

Về nguồn nước ngầm, Việt Nam cũng có tổng trữ lượng khoảng 172,6 triệu m3/ngày đêm. Nhưng nguồn nước ngầm cũng đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng: mực nước ngầm bị hạ thấp sâu, liên tục theo thời gian. Việc khai thác nước tập trung quy mô lớn tại các khu đô thị lớn, ngoài việc dẫn đến hạ thấp mực nước sâu còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm nhập mặt, ô nhiễm nguồn nước…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu thảm họa thiên tai lớn nhất ở Đông Nam Á- Thái Bình  Dương và rủi ro thiên tai đang ngày càng gia tăng. Việc đảm bảo nguồn nước, cấp nước an toàn đang đặt ra những thách thức lớn, trong đó đặc biệt là thách thức đến từ tác động của phát triển kinh tế- xã hội. Những năm gần đây cùng với sự phát triển kinh tế vượt bậc, quá trình đô thị hóa nhanh, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gia tăng dẫn tới các hoạt động xả nước thải nhất là các loại hình nước thải không được xử lý đúng quy chuẩn, kỹ thuật... đã và đang tác động và gây sức ép ngày càng lớn, trầm trọng đến cả số lượng và chất lượng nguồn nước các dòng sông, suối và các tầng chứa nước, đặc biệt là các nguồn nước phục vụ để sản xuất nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt.

Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, nguyên nhân của thực trạng này là do các cơ chế tài chính, chế tài, công cụ kiểm soát, giám sát chưa hiệu quả; các cơ chế hợp tác, giải quyết các vấn đề nước xuyên biên giới còn nhiều thách thức; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành cũng là một thách thức lớ cùng với đó vẫn còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà, thành viên đoàn giám sát, phát biểu tại buổi làm việc

Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, giải pháp trước mắt là phải nâng cao nhận thức của người dân, kêu gọi người dân có sử dụng tài nguyên nước có trách nhiệm. Về hệ thống pháp lý, hiện đã có 4 Luật quản lý nguồn tài nguyên này, trong đó có Luật Tài nguyên nước 2012, tuy nhiên thực tế cho thấy tình trạng thiếu nước, ô nhiễm nguồn nước vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng, do đó các thành viên đoàn giám sát cho rằng phải rà soát lại để làm rõ việc tại sao cơ sở pháp lý đã có nhưng thực trạng này không được kiểm soát? Phải chăng đã đến lúc phải thay đổi tư duy, phải thu hút được sự tham gia của người dân trong việc giám sát cũng như đảm bảo an ninh nguồn nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh phải lựa chọn giải pháp hợp lý vừa có tầm nhìn vừa có mục tiêu. Cụ thể, phải đặt ra quan điểm lấy nguồn nước nội sinh là chính, giảm bớt sự phụ thuộc từ bên ngoài, đồng thời xây dựng các kịch bản để không bị động. Để làm được những việc này, trước mắt phải cứu những dòng sông bị ô nhiễm, hạn chế thực trạng lấp ao hồ tự phát, tạo sự liên thông giữa hệ thống hồ đập trong nước. Và việc quan trọng nữa là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo dựng được những ranh giới đỏ dựa trên các thông lệ quốc tế ./.

Trọng Quỳnh