LIÊN KẾT NÔNG DÂN VIỆT NAM - LÀO - CAMPUCHIA: CHIA SẺ KINH NGHIỆM, THÚC ĐẨY HỢP TÁC, PHÁT TRIỂN.

06/12/2019

Đánh giá về vai trò quan trọng của nông dân, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, Khóa X đã khẳng định: “Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới”.

Ba trụ cột phát triển

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề lớn với cả ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia vì dân số nông thôn, lực lượng lao động nông thôn, diện tích đất nông nghiệp, giá trị sản xuất, giá trị hàng xuất khẩu… đều chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu dân số, lao động, diện tích tự nhiên, GDP, kim ngạch xuất khẩu của mỗi quốc gia.

Đây là ý kiến của đại biểu 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn 3 nước do Hội Nông dân Việt Nam và UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức vừa qua tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng.


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam - Lào - Campuchia. Ảnh: Trung Thành

Thực tế cho thấy, mặc dù quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng dân tỷ trọng của công nghiệp và dịch vụ, nhưng nông nghiệp vẫn luôn là ngành sản xuất vật chất hết sức quan trọng nhờ vào lợi thế so sánh của 3 nước. Như nhận định của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khi tham dự Hội thảo, thì nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn đang là ba trụ cột phát triển của cả Việt Nam, Lào và Campuchia.

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng hoàn toàn chia sẻ phát biểu của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam khi cho rằng, nông nghiệp là kế sinh nhai và ổn định cuộc sống cho phần lớn dân cư nông thôn, là nền tảng cho phát triển kinh tế, xã hội và ổn định chính trị, tạo tiền đề để công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ một nước nông nghiệp. Trong giai đoạn kinh tế thế giới khủng hoảng, nông nghiệp đã từng là “bệ đỡ”, “cứu cánh” cho nền kinh tế, giữ đà tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần ổn định chính trị.

Ở cả ba nước, nông nghiệp đang phát triển nhanh và cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng cao theo hướng bền vững, hữu cơ, xanh, sạch được coi trọng, dần trở thành chuẩn mực của sản xuất xã hội trong bối cảnh nhận thức của người tiêu dùng và yêu cầu của thị trường ngày một cao. Chính nền nông nghiệp hướng tới hữu cơ, an toàn đang góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

Trong giai đoạn 2013-2018 nông nghiệp Việt Nam phát triển khá toàn diện với tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt bình quân 2,76%/năm. Tỷ lệ giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 63,9% năm 2012 lên gần 80% năm 2018, trong đó khoa học công nghệ đóng góp trên 30%. Sản lượng lúa đạt 44 triệu tấn năm 2018 đưa Việt Nam trở thành quốc gia bền vững an ninh lương thực hơn phần lớn các quốc gia đang phát triển ở châu Á. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã làm tăng 10-30% hiệu quả kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm 2008-2018 đạt 301,3 tỷ USD, tăng bình quân 9,28%/năm với 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD/năm trở lên, trong đó có 6 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD/năm. Tính đến tháng 10.2019, đã có 52,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đại biểu đến từ Vương quốc Campuchia Meas Pyseth cho biết, nông nghiêp Campuchia đã có đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế bình quân 7,7%/năm trong hai thập kỷ vừa qua, hướng tới mục tiêu quốc gia có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Người nông dân Campuchia đang thay đổi tập quán từ sản xuất cho tiêu dùng gia đình sang sản xuất cho thị trường nhờ nâng cao năng suất, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh trên thị trường cũng như quản lý bền vững tài nguyên nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Chính vì thế, Campuchia đã trở thành một trong 10 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với sản lượng năm 2018 là 10,8 triệu tấn và thặng dư là 5,8 triệu tấn, xuất khẩu 635 nghìn tấn trong 4,2 triệu tấn sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu.

Đại biểu đến từ CHDCND Lào Suvanthong Namvong cho biết, Nghị quyết Đại hội IX của Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã đặt mục tiêu “phát triển nông nghiệp tổng hợp, bảo đảm an ninh lương thực”, coi nông lâm nghiệp là ngành kinh tế cơ bản của quốc gia. Lào cũng đang chủ động chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, thâm canh hiện đại và hiệu quả cao, ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật… theo Chiến lược Phát triển nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đã được hoạch định. Trong đó, mục tiêu là bảo đảm an ninh lương thực, sản xuất nông sản hàng hóa có tiềm năng phát triển nông nghiệp sạch, an toàn và lâu dài trên cơ sở chuyển dịch kinh tế sang công nghiệp và hiện đại gắn với phát triển nông thôn để góp phần xây dựng kinh tế quốc gia.

Nhiệm vụ chính trị to lớn, phức tạp và lâu dài của mỗi quốc gia

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, hình thức Cộng đồng nông nghiệp ở Campuchia hay Mạng lưới nông dân ở Lào là những mô hình, kinh nghiệm tốt trong tổ chức sản xuất cũng như tập hợp nông dân mà Việt Nam cần học tập.

Trong điều kiện địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng tương đối tương đồng, nên mặc dù đã có bước phát triển nhất định, nhưng sản xuất nông nghiệp 3 nước cũng có những tồn tại, thách thức tương đối giống nhau, tuy có thể ở quy mô, cấp độ khác nhau. Đó là yếu tố thiếu bền vững trong sản xuất, chưa vững chắc trong tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu ngành chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tiêu chuẩn cao của thị trường thế giới. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn hạn chế. Trình độ khoa học công nghệ còn kém xa so với các nước tiên tiến trong khu vực. Đấy là chưa kể đến những thách thức, như an ninh nguồn nước lưu vực sông Mekong, nguồn vốn và thu hút đầu tư vào nông nghiệp, bảo hiểm nông nghiệp…

Trong bối cảnh đó, đại biểu ba nước đồng tình cho rằng, phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của nông dân luôn là nhiệm vụ chính trị to lớn, phức tạp và lâu dài của mỗi quốc gia. Là chủ thể của quá trình phát triển, nông dân 3 nước cần tăng cường giao lưu, hợp tác, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn với vai trò kết nối của Hội Nông dân Việt Nam, Mạng lưới Nông dân Lào, Cộng đồng Nông nghiệp Campuchia. Cùng với đó là chung tay xúc tiến thương mại để phát triển thị trường nông sản, tận dụng mọi cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh của nông, lâm, thủy hải sản cũng như chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nông dân cả ba quốc gia, đối tác chiến lược Việt Nam, Lào và Campuchia.    

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác