Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì cuộc làm việc về sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

28/03/2025

Sáng 28/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì cuộc làm việc với các cơ quan của Quốc hội về việc triển khai sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì Hội thảo Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Toàn cảnh cuộc làm việc

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng; Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga.

Về phía Thường trực các cơ quan của Quốc hội có: các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát: Hoàng Anh Công, Trần Thị Nhị Hà; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phạm Thúy Chinh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đỗ Thị Lan; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần; các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Công tác đại biểu…

Bám sát định hướng đổi mới tư duy xây dựng pháp luật

Phát biểu chủ trì cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đồng ý, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát đã tiếp nhận hồ sơ, tài liệu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để tiếp tục chủ trì tham mưu, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp UBTVQH nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội, xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc sửa đổi Luật lần này phải bám sát định hướng về đổi mới công tác lập pháp năm 2025, trong đó phải đổi mới tư duy và cách làm. Trên cơ sở sửa đổi, rà soát và bổ sung các dự án luật để phát triển kinh tế - xã hội đạt mục tiêu 8% trở lên trong năm 2025, điều này đã đặt ra yêu cầu rất cao cho việc sửa đổi Luật Hoạt động giám sát.

Cùng với việc tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học để có thêm cơ sở thực tiễn phục vụ công tác chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, tại Kỳ họp thứ 10 tới, chúng ta cần sửa đổi toàn diện Luật Hoạt động giám sát thay vì chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát như trước đây. Điều này phù hợp với chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Dân nguyện và Giám sát báo cáo quá trình tiếp nhận hồ sơ dự án Luật và báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật cho phù hợp.

Mở rộng phạm vi sửa đổi của Luật là sửa đổi toàn diện

Báo cáo về việc tiếp nhận hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Dân nguyện và Giám sát (UBDNGS) Cao Mạnh Linh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) đã chủ động, tích cực phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc và cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của UBTVQH tại Phiên họp thứ 38 (tháng 10/2024), ý kiến của các cơ quan có liên quan để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Hồ sơ dự án Luật được Thường trực UBDNGS tiếp nhận từ Thường trực UBPLTP gồm có: (1) Dự thảo Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; (2) Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH); (3) Dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; (4) Bảng so sánh dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp 8 và dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của ĐBQH; (5) Dự thảo Luật dự kiến hợp nhất; (6) Báo cáo tổng hợp ý kiến ĐBQH về dự thảo Luật; (7) Tài liệu tham khảo - Luật Hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc.

Về phạm vi sửa đổi của Luật, Thường trực UBDNGS nhận thấy, trên cơ sở tiếp nhận và nghiên cứu hồ sơ dự án Luật, Thường trực UBPLTP đã phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc và cơ quan hữu quan khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 để chỉnh lý dự thảo Luật. Đến nay, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 51 điều/91 điều so với Luật hiện hành (chiếm 56,04%).

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Cao Mạnh Linh báo cáo tại cuộc làm việc

Bên cạnh đó, thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và nhiều dự án Luật khác, trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến Luật Hoạt động giám sát, đặt ra yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý toàn diện.

ĐBQH hoạt động chuyên trách tại UBDNGS Cao Mạnh Linh nêu rõ, trên cơ sở báo cáo của Thường trực UBDNGS, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đã có ý kiến chỉ đạo: “Việc chuyển giao cho Ủy ban Dân nguyện và Giám sát chủ trì và lùi thời gian thông qua là định hướng để tiếp tục chuẩn bị sửa đổi toàn diện chứ không còn sửa đổi, bổ sung một số điều…”.

Thường trực UBDNGS đã có văn bản gửi UBPLTP để tổng hợp, đề xuất việc thay đổi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đồng thời có văn bản báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định điều chỉnh phạm vi sửa đổi của Luật là sửa đổi toàn diện, thay thế Luật hiện hành.

Thống nhất sửa đổi toàn diện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Đồng thời cho ý kiến tập trung vào 8 vấn đề lớn, đó là: khái niệm giám sát, về thẩm quyền giám sát tối cao của Quốc hội; về nguyên tắc hoạt động giám sát; Bổ sung hoạt động giải trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bổ sung quy định về phối hợp giám sát thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế, dự án hợp tác với nước ngoài; quy định giám sát chung của các cơ quan dân cử các cấp; về hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND; về thời điểm Quốc hội, HĐND xem xét báo cáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận cuộc làm việc

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao thái độ, trách nhiệm và tinh thần chủ động của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát, có báo cáo tương đối thuyết phục; đồng thời đề nghị tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, xin ý kiến trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội về các nội dung còn ý kiến khác nhau để báo cáo UBTVQH.

Thực hiện Kết luận của UBTVQH, đặc biệt là của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Dân nguyện và Giám sát tiếp tục hoàn chỉnh Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, với tinh thần triển khai công việc quyết liệt và tiếp tục xin chủ trương của UBTVQH.

Về phạm vi sửa đổi, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các ý kiến thống nhất sửa đổi toàn diện với tên gọi của Luật là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu 40 điều còn lại của dự thảo Luật cùng với các vấn đề mới cần có báo cáo bổ sung đánh giá tác động để đảm bảo hồ sơ dự án Luật đầy đủ; đồng thời cần quán triệt quan điểm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.

“Trên cơ sở hồ sơ dự án Luật cũ, với tư duy mới và cách làm mới, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu và sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, rà soát sao cho Luật ngắn gọn nhất với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, cuộc làm việc có nhiều ý kiến sâu sắc và tâm huyết, cơ sở thực tiễn rõ ràng.

Liên quan đến một số vấn đề lớn của dự thảo Luật, về khái niệm giám sát, các đại biểu cơ bản thống nhất sửa đổi khái niệm giám sát. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần sửa các khái niệm sao cho rõ ràng, dễ hiểu, đặc biệt là khái niệm giám sát của Quốc hội và HĐND; trả lời cho được bản chất của giám sát, hệ quả pháp lý là gì; làm rõ nội hàm nguyên tắc hoạt động giám sát.

Các ý kiến cũng cơ bản thống nhất việc bổ sung quy định về phối hợp giám sát thực hiện các điều ước, thoả thuận quốc tế, dự án hợp tác với nước ngoài.

Về kế hoạch, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Dân nguyện và Giám sát tổ chức các hội thảo khoa học mời đa dạng các chuyên gia trước/trong/sau kỳ họp để xin ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, thống nhất cách hiểu, thống nhất chủ trương, định hướng đổi mới tư duy xây dựng pháp luật và bổ sung báo cáo đánh giá tác động đối với những vấn đề mới.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc họp:

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Cao Mạnh Linh báo cáo về việc tiếp nhận hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đỗ Thị Lan phát biểu

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần phát biểu

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phạm Thúy Chinh phát biểu

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Đỗ Đức Hiển phát biểu

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Công tác đại biểu Bế Trung Anh

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc Lê Nhật Thành phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận cuộc làm việc

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

 
Lên đầu trang