Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng Luật Nhà giáo phải giải quyết mối tương quan giữa thầy và trò
Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhận định, việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo là yêu cầu cấp thiết nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, nâng cao vị thế, quyền lợi và trách nhiệm của nhà giáo, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu, chuyên gia tiếp tục nghiên cứu và góp ý về các nội dung cụ thể: khái niệm, chức danh nhà giáo và các quy định về hoạt động nghề nghiệp; quy định về quyền, nghĩa vụ và những việc không được làm đối với nhà giáo; đánh giá nhà giáo và quy định những việc mà nhà giáo không được làm, nhất là về vấn đề học thêm, dạy thêm; quy định về chế độ làm việc, chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo; thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo; rà soát lại các quy định về thuyên chuyển nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, về bổ nhiệm nhà giáo giữ chức vụ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để bảo đảm tính thống nhất giữa luật này với các luật khác có liên quan như Luật Viên chức, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo, các quy định về phân cấp, phân quyền trách nhiệm trong xây dựng chính sách, trong tổ chức thực hiện các chính sách và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại tọa đàm
Về chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, Giáo sư, Tiến sĩ (GS.TS) Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh kiến nghị ở Điều 7 cần quy định rõ hơn về trách nhiệm tài chính trong đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, đặc biệt trong bối cảnh nhiều cơ sở giáo dục đã tự chủ tài chính, cần phân biệt hai nhóm cơ sở giáo dục đã tự chủ tài chính và cơ sở giáo dục chưa tự chủ tài chính. Việc làm rõ nội dung này giúp đảm bảo tính công bằng trong phân bổ ngân sách, tránh tình trạng các đơn vị tự chủ vẫn yêu cầu hỗ trợ từ Nhà nước, gây áp lực lên ngân sách giáo dục. Đồng thời chính sách này cũng khuyến khích các cơ sở giáo dục nâng cao trách nhiệm trong việc đầu tư vào chất lượng đội ngũ giảng dạy.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh đóng góp ý kiến
Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra - Pháp chế Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cần được quy định cụ thể hơn. Đối với các quy định về điều động, biệt phái, thuyên chuyển nhà giáo của các cơ sở giáo dục công lập được quy định tại Điều 19, 20, 21, Tiến sĩ Tuyết Dung kiến nghị quy định tại dự thảo cần bảo đảm tính công bằng, bảo đảm tính thống nhất giữa luật này với các luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, cần quy định chi tiết về quy định hỗ trợ nhà công vụ, tiền tàu xe, nhóm giáo viên đặc thù, chế độ nghỉ hưu của nhà giáo, tiền lương và phụ cấp của giáo viên cơ sở ngoài công lập đảm bảo không thấp hơn lương cơ sở của giáo viên cùng cấp.
.jpg)
TS. Thái Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra - Pháp chế, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh nêu quan điểm tại tọa đàm
Đối với điều 29 quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn đối với nhà giáo, các đại biểu băn khoăn và đề nghị cân nhắc việc nhà giáo có thể hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn gồm nhà giáo có chức danh giáo sư, Phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù. Các đại biểu cũng góp ý vào Điều 25 quy định về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo, Điều 26 quy định về chính sách hỗ trợ nhà giáo và kiến nghị sự hỗ trợ từ chính sách về nhà giáo nói chung, nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập nói riêng cần có sự bình đẳng hơn; có sự ghi nhận và đãi ngộ công bằng thích hợp, tạo thêm động lực để thu hút người giỏi trở thành giáo viên, đội ngũ giáo viên cống hiến, tận tâm với nghề, phát huy nguồn lực xã hội hóa giáo dục, góp phần củng cố về định hướng và chất lượng, đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống các trường ngoài công lập. Để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo, có ý kiến cho rằng, các cấp có thẩm quyền cần quan tâm, đẩy mạnh việc truyền thông, nâng cao nhận thức của nhà đầu tư, người đứng đầu cơ sở giáo dục, giáo viên trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Toàn cảnh buổi tọa đàm
Dự thảo Luật Nhà giáo đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Đến nay, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 09 chương, 46 điều (giảm 04 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8). Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã cho ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Nhà giáo. Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức 2 tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia được tổ chức tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Các ý kiến của đại biểu tại tọa đàm được tiếp thu, giải trình và tổng hợp. Dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).