Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính họp mở rộng thẩm tra dự án Luật Phá sản (sửa đổi)

27/03/2025

Sáng 27/3, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính họp mở rộng thẩm tra dự án Luật Phá sản (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp.

Ủy ban Kinh tế và Tài chính làm việc tại tỉnh Bình Phước

Toàn cảnh cuộc họp

Tham dự cuộc họp có Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh; đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao; đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp; Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội.

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến nêu rõ, kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2014 cho thấy còn nhiều điểm nghẽn trong giải quyết vụ việc phá sản, nhu cầu giải quyết phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã không ít, nhưng kết quả giải quyết chưa nhiều, thời gian giải quyết một vụ việc phá sản kéo dài...

Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Luật Phá sản (sửa đổi) được xây dựng nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định còn vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; tháo gỡ những điểm nghẽn trong giải quyết vụ việc phá sản; tạo hành lang pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tuyên bố phá sản và thanh lý kịp thời những doanh nghiệp, hợp tác xã không còn khả năng phục hồi.

Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình

Việc sửa đổi luật cũng hướng đến khơi thông nguồn lực, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển nền kinh tế lành mạnh; góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia thủ tục, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, đóng góp vào việc đưa đất nước vững bước tiến vào “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Nêu những điểm mới trong dự thảo luật, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, lần sửa đổi này đã bổ sung khái niệm “doanh nghiệp có nguy cơ mất khả năng thanh toán”; sửa đổi khái niệm “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán”.Với thủ tục phá sản, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung, trong đó có bổ sung chủ thể có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng và khắc phục vướng mắc từ thực tiễn.

Cũng theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, dự thảo luật cũng quy định điều kiện áp dụng; thời hạn thực hiện các thủ tục bằng 1⁄2 thời hạn trong phục hồi thông thường; Nghị quyết Hội nghị chủ nợ thông qua khi có số chủ nợ đại diện cho từ 51% tổng số nợ của chủ nợ tham gia biểu quyết tán thành; quy định việc chuyển đổi thủ tục phục hồi rút gọn sang giải quyết theo thủ tục thông thường khi vụ việc không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Dự thảo luật cũng bổ sung Chương thủ tục phục hồi, quy định chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã là người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã có nguy cơ mất khả năng thanh toán/mất khả năng thanh toán. Ngoài ra, dự thảo luật bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của hội nghị chủ nợ, điều kiện thông qua nghị quyết hội nghị chủ nợ; việc đình chỉ việc thực hiện phương án phục hồi, đình chỉ thủ tục phục hồi và hậu quả pháp lý…

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Phá sản hiện hành để tháo gỡ những điểm nghẽn trong giải quyết vụ việc phá sản, góp phần khơi thông nguồn lực, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Đức Hiếu phát biểu

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến về đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao trong việc đổi tên Luật thành “Luật Phục hồi, phá sản”. Các ý kiến cho rằng, việc đổi tên sẽ giúp là bảo đảm đúng mục tiêu, định hướng xây dựng Luật là khuyến khích, ưu tiên phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã ngay từ khi có nguy cơ mất khả năng thanh toán để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, tránh tâm lý e ngại thủ tục phá sản. Tên mới cũng phù hợp với xu thế của thế giới trong quy định hai thủ tục này bằng một luật như tại Hàn Quốc, Ai Cập, hoặc quy định tại hai luật riêng như tại Nhật Bản.

Cùng với việc sửa đổi tên luật, các đại biểu cũng nhấn mạnh cần ưu tiên cho quá trình phục hồi của doanh nghiệp khi chưa tiến hành quy trình phá sản. Có ý kiến đánh giá, tuy đây là một nội dung rất quan trọng, nhưng quy định về phục hồi trong dự thảo luật vẫn khá phức tạp, chính sách vẫn còn chung chung.

Một số ý kiến cũng đề nghị cần bổ sung quy định tạo điều kiện cho các công ty lớn, quỹ đầu tư tiến hành hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp; cân nhắc bổ sung quy định về phá sản với cá nhân; cá thể hóa trách nhiệm của hội đồng quản trị, đại hội cổ đông, hội đồng thành viên trong thực hiện trách nhiệm làm đơn xin phá sản, thực hiện thủ tục phục hồi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi phát biểu kết luận

Kết luận cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo, sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong xây dựng dự án Luật Phá sản (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính nêu rõ, việc sửa đổi luật này phải giúp tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực hiện phá sản, qua đó khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng đạt 2 con số trong thời gian tới.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, lưu ý khắc phục tình trạng có quy định pháp luật nhưng giải quyết được rất ít trường hợp muốn phá sản. Đồng thời, cần quy định rõ các tiêu chí xác định thời điểm công bố doanh nghiệp, hợp tác xã bắt đầu tiến hành phá sản, giải thể; tiếp tục rà soát, nghiên cứu giảm số lượng chương, điều khoản tại dự thảo Luật; nghiên cứu đưa ra quy định hỗ trợ từ ngân sách cho quá trình phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã ở chừng mực hợp lý.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp

Các đại biểu tại cuộc họp

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Nguyễn Minh Sơn điều hành nội dung thảo luận

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải phát biểu

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho ý kiến

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Vũ Thị Lưu Mai phát biểu

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Đức Hiếu phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi phát biểu kết luận.

Hồ Hương - Phạm Thắng

 
Lên đầu trang