WB: Kinh tế Việt Nam bộc lộ dấu hiệu tăng trưởng nóng

02/04/2008

Sáng nay (1/4), Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố bản báo cáo cập nhật về tình hình khu vực Đông Á- Thái Bình Dương, trong đó có đưa ra những đánh giá khá toàn diện về nền kinh tế Việt Nam.

Những “triệu chứng” của tăng trưởng nóng

 

Lạm phát gia tăng là dấu hiệu của tăng trưởng nóng

(VOV)_ Báo cáo chỉ rõ, kinh tế của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 8,5% vào năm 2007, tăng trưởng 3 năm liên tiếp trên mốc 8%/năm. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện với tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 40% GDP. Mức tăng trưởng này tăng liên tục nhờ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh với 59.000 doanh nghiệp mới được đăng ký trong năm qua, tăng 26% so với năm 2006. Cam kết đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) cũng tăng gấp đôi, lên 20,3 tỷ USD, tổng giá trị thị trường chứng khoán đạt tới 43% GDP tính đến cuối năm 2007, so với mức 1,5% của năm 2005. Tính đến cuối năm 2007, các mặt hàng xuất khẩu không tính dầu thô tăng 27% và tổng giá trị xuất khẩu chiếm hơn 68% GDP. Dự trữ ngoại tệ tăng hơn 10 tỷ USD, đạt 21,6 tỷ USD. Hàng loạt điều tra về môi trường kinh doanh đều cho thấy xu thế mở rộng cả về phạm vi và quy mô kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2008.

 

Tuy nhiên, báo cáo của WB cũng khẳng định, nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ những dấu hiệu tăng trưởng quá nóng. Theo ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế của WB, những “triệu chứng” của một nền kinh tế nóng đó là tỷ lệ lạm phát tăng mạnh từ mốc 6,6% (tháng 12/2006) tới 15,7% tính đến tháng 2/2008. Năm 2007 cũng là năm ghi nhận cán cân vãng lai đã thâm hụt ở mức đáng ngại (ước tính khoảng 9,3-9,7% GDP). Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng gần 40%. Bên cạnh đó, giá tài sản cũng tăng cao thể hiện ở giá cổ phiếu hồi đầu năm 2007 và giá bất động sản vào cuối năm. “Cơn sốt” của thị trường bất động sản có nguy cơ tạo ra tình hình bong bóng rất nguy hiểm.

 

“Nóng” không do chi tiêu ngân sách quá cao

 

Nhận định về nguyên nhân của tăng trưởng nóng, các chuyên gia của WB cho rằng đây không phải là kết quả của việc chi tiêu ngân sách quá cao của Chính phủ. Theo tiêu chuẩn quốc tế, mức thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong năm 2007 ước tính vào khoảng 1% GDP. Mức đánh giá sơ bộ này không khác nhiều so với các năm trước. Thâm hụt ngân sách chung (bao gồm cả hạng mục chi tiêu ngoài ngân sách như phát hành trái phiếu của chính phủ cho phát triển giáo dục, hạ tầng cơ sở và tái cấp vốn các ngân hàng thương mại quốc doanh) ước tính ở mức 5% GDP.

 

Tuy nhiên, WB cũng khuyến cáo cần xiết chặt hoạt động vay vốn của khu vực công, khu vực có thể chịu nhiều sức ép hơn khi điều chỉnh kinh tế vĩ mô. Cùng với đó một số khoản vay đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước cần được xem xét lại. Đặc biệt các khoản vay để thực hiện các dự án công không mang tính cấp thiết và không hiệu quả cần phải dừng lại hoặc hủy bỏ.

 

Theo WB, tháng 3/2008 Chính phủ Việt Nam đã thông qua một gói chính sách mới bao gồm nhóm các giải pháp về chính sách tiền tệ và tài chính được thiết kế nhằm hạ nhiệt tăng trưởng kinh tế cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực tới quá trình tăng trưởng. Tuy nhiên thành công của nhóm giải pháp này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện trên thực tế và khả năng điều chỉnh của Chính phủ trong các hoàn cảnh cụ thể.

 

Đánh giá về những biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua, ông Martin Rama cho rằng “Chính phủ và Thủ tướng đã đi đúng hướng và những biện pháp này đang được thực hiện tốt ở Việt Nam với một khuôn khổ chính sách mạnh mẽ”.

 

WB cũng dự báo kinh tế Việt Nam năm 2008 sẽ giảm 0,5% so với năm 2007 nhưng sẽ tăng trở lại vào năm 2009. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2008 ước tính đạt 8% và 8,5% vào năm 2009. Theo phương án thấp, các con số này lần lượt là 7,5% và 8,1%. Đáng chú ý, dự báo của WB về mức tăng chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2008 sẽ bằng năm 2007 với mức 12,6% và sẽ giảm xuống còn 9% vào năm 2009

(http://www.vovnews.vn)