Đầu tư lớn, nỗi lo không nhỏ

01/04/2008

Nhiều dự án FDI với quy mô lớn đổ vào Việt Nam đòi hỏi phải có những chính sách thích hợp để giải ngân có hiệu quả.

(VOV)_ Từ năm 1988 đến nay, Việt Nam đã thu hút 9.500 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng 98 tỷ USD từ 82 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 100 tập đoàn lớn của thế giới. Năm 2007, nước ta đã thu hút được 20,3 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Đây là con số rất ấn tượng, khẳng định sức hấp dẫn của Việt Nam nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề mới, đặc biệt là việc hấp thụ nguồn vốn đầu tư nước ngoài của nước ta hiện nay.

 

Mặc dù chưa hết quý 1 năm 2008, song Việt Nam đã thu hút được 2,65 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 39% so với cùng kỳ năm 2007. Trong 2 tháng đầu năm, đã có nhiều dự án FDI với quy mô lớn đổ vào Việt Nam. Điển hình là dự án xây dựng tổ hợp khách sạn, khu vui chơi giải trí tại Bà Rịa-Vũng Tàu của Tập đoàn Good Choice (Mỹ) với số vốn đăng ký lên đến 1,29 tỷ USD. Tuy nhiên, đứng trước các dự án lớn, nhiều hạn chế, thách thức của Việt Nam càng bộc lộ. Theo Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI thu hút càng nhiều thì vấn đề làm sao giải ngân hiệu quả càng đặt ra gay gắt. Điều quan tâm nhất hiện nay là phải tạo điều kiện tốt nhất bằng những chính sách thích hợp để đồng vốn của các nhà đầu tư vào Việt Nam phát huy hiệu quả. 

 

Tuy nhiên, một thực tế đáng quan ngại hiện nay là tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này trong những năm gần đây giảm. Nếu như năm 2000, vốn cam kết FDI đạt 2,6 tỉ USD và tỷ lệ vốn thực hiện lên tới 94% thì đến năm 2006, tỷ lệ vốn thực hiện giảm còn 41%. Năm 2007, vốn cam kết là hơn 20,3 tỷ USD, vốn thực hiện  đạt 4,6 tỷ USD, chiếm chưa tới 30%. Năm 2008, dự kiến sẽ giải ngân được 5-6 tỷ USD. Như vậy, có thể thấy, Việt Nam đang đứng trước một vấn đề là vốn cam kết lớn nhưng năng lực giải ngân không theo kịp. Điều này khiến chúng ta đang đứng trong một vòng luẩn quẩn. Ngân hàng tăng lãi suất huy động dẫn đến việc tăng lãi suất cho vay. Gánh nặng này đè lên vai các doanh nghiệp và họ “chia sẻ” sang hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ... khiến cho giá cả tăng vọt và người “chịu trận” chính là người tiêu dùng.

 

Hiện nay, có rất nhiều yếu tố tác động đến tốc độ giải ngân của Việt Nam. Đó là kết cấu hạ tầng yếu kém, thiếu trầm trọng đường cao tốc, bến cảng container... Nếu như ở Singapore chỉ mất 2 giờ để vận chuyển một container thì ở Việt Nam phải mất tới 7 ngày. Việc giải phóng mặt bằng, đền bù, di dời và tái định cư còn nhiều bất cập cũng là một trở ngại đối với việc tiếp nhận các dự án mới cũng như đẩy nhanh tiến độ đã được cấp giấy chứng nhận.

 

Những nghiên cứu mới đây của Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển cũng như của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển đã chỉ ra rằng, mặc dù phân cấp là một quyết sách đúng đắn của Việt Nam, nhưng đang diễn ra tình trạng thiếu gắn kết giữa Trung ương và địa phương trong quá trình phê duyệt và hướng dẫn thực hiện dự án. Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp nước ngoài, ngoài những vấn đề về cơ chế chính sách, thủ tục..., nước ta vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc “chăm sóc sau thu hút đầu tư nước ngoài” như thuế, thủ tục về thuế và các chính sách cho người nước ngoài tham gia dự án. Hiện nay, nhiều vấn đề đầu tư gián tiếp, trình tự, thủ tục mở chi nhánh, thanh lý, giải thể; chế độ báo cáo thống kê... chưa được hướng dẫn đầy đủ hoặc chưa được sửa đổi phù hợp. Điều này cũng làm giảm tiến độ triển khai dự án

 

Theo kế hoạch, trong quý I năm 2008, Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ thực hiện các đợt rà soát tổng thể, phân loại các dự án và đưa ra những giải pháp cụ thể với từng dự án. Trong số các loại dự án, Bộ KH&ĐT sẽ chú trọng tới các dự án chưa đi vào hoạt động do gặp vướng mắc. Đặc biệt, các dự án quy mô lớn sẽ được tập trung hỗ trợ từ các bộ, ngành và địa phương để giải quyết mọi vướng mắc nếu có. Kết quả của việc rà soát này sẽ được công khai rộng rãi. Các dự án lớn, có vốn đầu tư hơn 100 triệu USD đều phải có lộ trình thực hiện cụ thể theo từng quý và Bộ KH&ĐT phải nắm rõ lộ trình này.

 

Còn đối với những vướng mắc đất đai, giải phóng mặt bằng, quy hoạch chi tiết..., chính quyền địa phương phải giải quyết nhanh, không để nhà đầu tư phải chờ lâu. Cùng với đó, công việc rà soát lại hệ thống luật pháp, chính sách liên quan tới đầu tư cũng sẽ được thực hiện. Mặc dù trong năm 2007, vấn đề này được giới đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao, nhưng những chuyển biến mới trong thu hút đầu tư nước ngoài đang đòi hỏi những thay đổi phù hợp hơn./.

Hoàng Hùng

(http://www.vovnews.vn)