(VOV)_Các chuyên gia kinh tế thế giới gợi ý, đến năm 2020, Việt Nam cần trở thành một nước sản xuất sử dụng nhiều lao động lành nghề; Đào tạo kỹ sư với số lượng và chất lượng tương đương với Malaysia và Thái Lan; Xuất khẩu hàng may mặc và giày dép có giá trị nội địa lớn (thiết kế mẫu mã, kiểm soát chất lượng, marketing…); Xuất khẩu hàng nông sản và thuỷ sản chất lượng cao đảm bảo an toàn 100%.
Đương đầu với quá nhiều tụt hậu
Bắt đầu từ khởi điểm rất thấp, Việt Nam hiện nay đang ở bước đầu tiên của quá trình công nghiệp hoá và đang cố gắng mở rộng sản xuất.
Để thực hiện thành công chiến lược công nghiệp hoá đến năm 2020, Việt Nam còn phải đương đầu với quá nhiều khó khăn.
Theo GS.TS Kenichi Ohno (Diễn đàn Phát triển Việt Nam), các chính sách và các thể chế của Việt Nam còn yếu kém không chỉ theo tiêu chuẩn của các nước phát triển Đông Á mà thậm chí cả tiêu chuẩn chung của các nước đang phát triển.
Trong bảng xếp hạng sức cạnh tranh tăng trưởng toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), hai năm liên tục (2004 và 2005), vị trí xếp hạng của nền kinh tế Việt Nam tụt xuống 21 bậc. Đây là mức tụt cao nhất thế giới. Sang năm 2006, Việt Nam bị tụt thêm 5 bậc, xuống thứ 86 trong bảng xếp hạng. Những con số này phản ánh xu hướng tụt hậu xa hơn về chất lượng phát triển của nước ta.
TS Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra dẫn chứng: “Theo thời gian, khoảng cách chênh lệch về GDP/người của Việt Nam so với các nước đi trước, trừ Trung Quốc, ngày càng nới rộng cho dù tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn trong một thời gian khá dài. Với xu hướng tăng trưởng hiện nay, mức độ tụt hậu thực tế của Việt Nam không được cải thiện, thậm chí còn giãn rộng hơn”.
Ngoài ra, hệ thống thị trường của Việt Nam còn chưa đồng bộ, quá trình chuyển sang kinh tế thị trường còn diễn ra chậm chạp. TS Trần Đình Thiên cho rằng, quá trình này còn mang tính tự phát cao, nặng tính kinh nghiệm, dựa vào sự hỗ trợ phát triển tuỳ hứng; Thiếu tính tổng thể, không được dẫn dắt bởi một qui hoạch phát triển bao quát. Trong sự yếu kém của hệ thống, nổi bật nhất là sự yếu kém của hai loại thị trường: thị trường đầu vào cơ bản là đất đai - bất động sản và thị trường đầu vào cao cấp là thị trường tài chính.
Một khó khăn nữa chúng ta phải đương đầu là khu vực doanh nghiệp trong nước còn yếu kém với những biểu hiện chủ yếu là nhỏ về qui mô, yếu về thực lực và yếu kém về sức cạnh tranh.
Các nhà đầu tư nước ngoài đều khuyến cáo rằng, để nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần coi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh hiện nay. Nhưng giải quyết nhiệm vụ này đòi hỏi một lượng vốn lớn đến mức nền kinh tế không thể tự mình đáp ứng, kể cả khi có sự yểm trợ tích cực của nguồn ODA.
TS Trần Đình Thiên phân tích: “Nhận định này hàm ý rằng việc cải tạo và nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta trong thời gian tới phải đi theo một lộ trình nhất định”.
Phân tích rõ hơn về những yếu kém của hệ thống hạ tầng do tư duy manh mún đem lại, Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh - cho rằng, chúng ta cần mạnh dạn cải cách, đổi mới tư duy, vượt qua lợi ích nhóm, cục bộ, sử dụng quan hệ quen biết, dàn xếp, xếp vốn cho tập đoàn này, tăng tín dụng cho tập đoàn kia, chỉ định thầu mà không đem lại hiệu quả.
Để làm rõ hơn quan điểm của mình, ông Lê Đăng Doanh đưa ra dẫn chứng: Việt Nam đã và đang xây dựng 102 cảng nhưng không một cảng nào là cảng trung chuyển quốc tế. Trong khi vịnhVân Phong nếu phát triển thành cảng trung chuyển hàng hoá từ Bắc Thái Lan, Myamar, Lào sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàng Quốc sẽ là trung tâm phát triển kinh tế năng động tạo thu nhập rất lớn.
Cần bước chuyển mình lớn về chính sách
Chiến lược phát triển của Việt Nam không thể giống với bất kỳ nước ASEAN nào, thậm chí ngay cả khi các bài học quốc tế được cho là hữu ích. Việt Nam cần phải tìm ra hướng đi phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình. Sự hội nhập quốc tế của Việt Nam cần được thực hiện nhanh hơn (điều này có nghĩa là chiến lược thu hút một lượng lớn đầu tư FDI trong khi dỡ bỏ các rào cản về thương mại một cách từ từ trong vài thập kỷ không còn hữu ích với Việt Nam).
Sự năng động trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam hiện nay chủ yếu là do đầu tư tư nhân và tiêu dùng tư nhân. Nhu cầu tư nhân rất mạnh là do có các nguồn tiền từ bên ngoài chảy vào (FDI, ODA, kiều hối…).
GS.TS Kenichi Ohno cho rằng: “Nền kinh tế Việt Nam đang bùng nổ và thậm chí còn quá nóng. Các nhà đầu tư nước ngoài đang bị thu hút bởi các lợi thế mà Việt Nam có được như vị trí tốt, lao động tốt, không phải do chính sách tạo nên”.
Theo TS Nguyễn Quang A, chính sách quan trọng nhất để phát triển công nghiệp là phân bổ nguồn lực quốc gia. Điều này không có nghĩa Nhà nước là người đứng ra phân bổ mà phải có định hướng để nguồn lực quốc gia phân bổ theo hướng mình muốn. Nguồn lực quốc gia là của toàn dân: con người, vốn, thiên nhiên… Nếu nhà nước tập trung vào việc của mình thì sẽ tạo ra những khuyến kích phù hợp.
TS Nguyễn Quang A nhận xét: “Hiện Nhà nước có nhiều chính sách khác nhau thì phải có một đội ngũ rà soát lại những chính sách này. Khi đó, công việc cần làm là chỉ tập trung vào 8 chính sách “nút cổ chai” thì sẽ giải quyết được 80% công việc, kết quả ấy sẽ kích thích doanh nghiệp. Tiêu chuẩn đầu tiên đặt ra là chính sách khả thi, dễ làm và phải đạt hiệu quả. Bây giờ đặt ra mục tiêu 10 năm tới, Việt Nam bằng 70% của người ta. Chưa nên đặt ra mục tiêu vượt các nước khác”.
Việt Nam đang mắc phải một số vấn đề lớn là thiếu sự tham gia của doanh nghiệp (Doanh nghiệp chỉ được phép có ý kiến sau khi hoặc khi có vấn đề phát sinh); Các phân tích và mục tiêu không thực tế, không được giới doanh nghiệp quan tâm; Thiếu sự phối hợp giữa các Bộ (liệt kê các chính sách không có kế hoạch hành động cụ thể). TS Kenichi Ohno nhấn mạnh: “Những vấn đề này chỉ riêng có ở Việt Nam, không có ở Malaysia, Nhật Bản hay Thái Lan”.
Chính vì vậy, TS Nguyễn Quang A nhắc lại, thời điểm này, chúng ta cần có một đội ngũ chuyên gia tập trung vài ba tháng để đánh giá Việt Nam nên chọn mục tiêu nào, xem cái “nút thắt cổ chai” nào dễ gỡ nhất, hiệu quả nhất thì làm trước. Làm như vậy mang tính xây dựng hơn. Không phải đặt ra mục tiêu to lớn rồi “hài lòng” với các mục tiêu ấy. Đây là việc chỉ Nhà nước chứ không ai khác có thể làm thay.
“Nhà nước cũng phải đặt ra các chính sách để bản thân các doanh nghiệp phải tự lo. Việc tạo ra chính sách khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh khả năng của mình, không bị các rào cản hành chính, sẽ giúp phát triển mạnh và có sức cạnh tranh hơn”-TS Nguyễn Quang A nhấn mạnh./.