Chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung mới khống chế được dịch bệnh

04/08/2007

Dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC) đang diễn biến phức tạp tại các địa phương, ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đối với ngành nông nghiệp. Mà các ngành kinh tế khác như du lịch, dịch vụ cũng sẽ bị tác động xấu…

Bên lề Quốc hội, ông Nguyễn Đăng Vang, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội, trả lời phỏng vấn báo giới xung quanh vấn đề này.

PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình dịch bệnh GSGC hiện nay tại các địa phương?

Ông Nguyễn Đăng Vang: Dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng chưa dứt, các địa phương lại đang phải hứng chịu dịch “tai xanh” ở lợn, thiệt hại về kinh tế đối với nông dân quá lớn. Thực tế này cho thấy, diễn biến dịch bệnh trên đàn GSGC hết sức phức tạp, có nhiều biến thể khó lường. Mặc dù nước ta đã có nhiều kinh nghiệm khống chế dịch cúm gia cầm, nhưng còn các loại dịch bệnh mới phát sinh, ngành nông nghiệp và nông dân vẫn rất khó đối phó. Thực tế đã chứng minh, dịch bệnh GSGC chủ yếu phát sinh, bùng phát từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông. Do không kiểm soát được mầm bệnh, nên khi có bệnh sẽ lây lan rất nhanh. Vì vậy, về lâu dài, ngành nông nghiệp phải quy hoạch chăn nuôi GSGC tập trung, có kiểm soát, theo quy mô công nghiệp, mới có thể hạn chế được dịch bệnh.

PV: Để khống chế dịch bệnh, ngành chăn nuôi các địa phương cần thực hiện những biện pháp cấp bách nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đăng Vang: Thứ nhất, theo các chuyên gia, việc làm cấp bách nhất hiện nay là các địa phương phải tăng cường tiêm phòng vaccine cho đàn GSGC tại những nơi chưa tiêm phòng. Thứ hai, tại những nơi dịch bệnh xảy ra rồi, thì các địa phương phải nhanh chóng bao vây dập dịch, tìm mọi cách tiêu huỷ đàn GSGC bị bệnh. Thứ ba, lực lượng cán bộ thú y, chăn nuôi từ cấp xã, phường, thị trấn khi phát hiện ra dịch bệnh phải báo cáo ngay với cơ quan quản lý cấp trên của mình và phải vào cuộc ngay, đồng thời thực hiện đúng các quy trình mà Pháp lệnh thú y đã quy định. Và cuối cùng là kiểm soát nghiêm ngặt việc vận chuyển, mua bán và giết mổ gia súc.

PV: Đối với đàn GSGC bị nhiễm bệnh và tiêu huỷ, ngành nông nghiệp đã có chính sách gì để hỗ trợ nông dân, thưa ông?

Ông Nguyễn Đăng Vang: Trong Chương trình Quốc gia về Phòng chống dịch bệnh gia súc đến năm 2010 đã được Chính phủ phê duyệt có kế hoạch tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc. Đối với những địa phương có dịch, Nhà nước sẽ đầu tư kinh phí để tiêm phòng miễn phí gia súc cho nông dân. Chúng tôi còn đề xuất với Chính phủ và các địa phương, trong trường hợp bà con buộc phải tiêu huỷ gia súc sẽ được nhận mức hỗ trợ khoảng 70% giá trị của gia súc. Còn đối với các hộ nông dân, chủ các trang trại lớn có gia cầm bị tiêu huỷ, chúng tôi cũng đề nghị ngành ngân hàng khoanh nợ cho họ, tiếp tục cho vay vốn để nhập đàn giống mới, đồng thời đề nghị Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí chăn nuôi cho bà con.

Xin cảm ơn ông!./

 

(http://www.vovnews.vn/)