Sức cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam còn yếu

29/07/2007

Điều tra mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại 63.000 doanh nghiệp ở 36 tỉnh, thành phố trong cả nước thì có tới 1/3 lãnh đạo các DN có trình độ học vấn dưới cấp ba (PTTH). Theo công ty tư vấn việc làm Vietnam Works thì nguồn nhân lực quản lý cấp cao tại Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 30-40% nhu cầu...

(VOV)_Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sức cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam, hiện nay rất yếu. Phần lớn lao động làm việc trong các doanh nghiệp (DN) chỉ có tay nghề thấp. Trong khi đội ngũ quản lý, lãnh đạo DN, giám đốc DN còn nhiều hạn chế về kiến thức và kỹ năng quản lý. Điều này dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN Việt Nam không cao. Mặc dù, chi phí lao động rẻ, trình độ dân trí của lao động Việt Nam khá cao, nhưng năng suất lao động chỉ ở mức trung bình và thấp (khoảng 60%), chủ yếu là lao động thủ công, tác phong lao động công nghiệp chưa có.

Thêm nữa, phần lớn các DN Việt Nam phải tự đào tạo tay nghề cho người lao động (chiếm 85,06%), mà không qua trường dạy nghề tập trung, điều này dẫn đến chi phí đào tạo cho lao động cao, nhưng trình độ hiểu biết khoa học kỹ thuật của lao động thấp.

Ông Đinh Đức Hữu, Chủ tịch tập đoàn ATI cho biết, một trong những việc đầu tiên mà ATI làm khi hoạt động ở Việt Nam đó là việc đào tạo con người. Ông Đinh Đức Hữu đã đích thân tuyển chọn một số tri thức trẻ Việt Nam đưa sang Hoa Kỳ để đào tạo, sau đó trở về phục vụ và làm việc cho ATI Việt Nam. Ông Hữu cũng đặc biệt lưu ý tới việc sử dụng ngoại ngữ và vi tính của các DN Việt Nam. Cả hai điểm này Việt Nam đều kém hơn so với các nước trong khu vực. Ông Hữu cho rằng, nếu giải quyết tốt được vấn đề nguồn nhân lực, thì thành công của DN là điều nằm trong tầm tay.

Doanh nghiệp chi quá ít cho đào tạo nhân lực

Ngoài yếu tố nguồn nhân lực, thì sức cạnh tranh của các DN Việt Nam còn yếu là do DN Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ, vốn ít. Hiện nay, trong tổng số khoảng trên 113 nghìn DN của cả nước, có tới trên 51% DN có dưới 10 lao động, 44,07% DN có từ 10 tới dưới 200 lao động; chỉ có 1,4% DN có từ 200 đến dưới 300 lao động. Về quy mô vốn, số DN có vốn từ dưới 1 tỉ đồng chiếm tới 41,8%; số DN có vốn từ 1 đến dưới 5 tỉ đồng chiếm 37,03% và số DN có vốn từ 5 đến dưới 10 tỉ đồng chỉ chiếm 8,18%. Về trình độ công nghệ của DN còn thấp, hiện tại phần lớn các DN đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ với 76% số lượng máy móc; chỉ có khoảng 10% DN có công nghệ hiện đại; năng lực và kỹ năng quản trị của đội ngũ cán bộ quản lý của các DN trong nước còn nhiều yếu kém, chưa chuyên nghiệp và chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân của các chủ DN.

Qua phân tích có thể thấy, nguyên nhân chất lượng nguồn nhân lực yếu là DN chi quá ít cho việc đào tạo nguồn nhân lực lâu dài, nên chất lượng lao động chưa được tiêu chuẩn hoá. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Vũ Văn Phúc- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, DN Việt Nam phải nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho công nhân, đồng thời giảm chi phí lương trong sản phẩm. Đặc biệt, cần có chiến lược thu hút, sử dụng nhân tài và lợi thế so sánh lớn nhất của DN trong cạnh tranh chính là đội ngũ cán bộ quản lý năng lực, tích cực.

Làm sao để thu hút nhân tài?

Đồng tình với ý kiến này, theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: trong điều kiện hội nhập hiện nay, một trong những nhân tố thành công của DN là thu hút và giữ được nhân tài. Chính vì vậy, mỗi DN cần có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện để mọi người phát huy hết tài năng, trí tuệ vá sức sáng tạo. Đẩy mạnh công tác đào tạo, dạy nghề cho đội ngũ lao động.

Bên cạnh đó phải tạo ra được sự gắn bó về quyền lợi và trách nhiệm của người lao động với DN bằng các chính sách như: bảo đảm công ăn việc làm ổn định, đầu tư cho đào tạo, áp dụng chế độ tiền lương và thưởng theo hướng khuyến khích người lao động có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của DN.

Cũng theo TS. Vũ Tiến Lộc muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN thì trước hết phải do sự nỗ lực và vận động của chính DN. Nhưng chỉ mình DN không thôi thì chưa đủ, ở tất cả các nước trên thế giới, vài trò hỗ trợ của Nhà nước và xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, DN và sản phẩm.

Vậy các DN Việt Nam có đủ sức cạnh tranh và hội nhập WTO không khi mà cạnh tranh có nguy cơ thua ngay trên “sân nhà”, theo các chuyên gia kinh tế, DN phải biết phát huy những điểm mạnh và biết khắc phục những điểm yếu của mình, đồng thời nhận thức rằng, việc gia nhập WTO là một giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Rõ ràng, cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi khi hội nhập. Nâng cao năng lực cạnh tranh, DN Việt Nam buộc phải có những thay đổi về nguồn nhân lực, cách thức quản lý, máy móc thiết bị công nghệ, và phải có năng lực nhất định về tiếp cận, chiếm lĩnh thị trường. Trong đó, yếu tố con người đặc biệt quan trọng, vì thiết bị và công nghệ có hiện đại đến mấy, nhưng nếu con người không đủ mạnh thì sẽ nhanh chóng sẽ bị nhấn chìm./.

 

 

Vũ Hạnh

(http://www.vovnews.vn/)