Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao

07/02/2018

Tiếp tục chương trình làm việc của Phiên họp thứ 21, chiều 07/02, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành thảo luận cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo

Trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết: trước đó, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao (dự thảo Luật). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Toàn cảnh phiên họp

Về giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, để khắc phục tình trạng đuối nước của trẻ em hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo Luật cần bổ sung quy định "bơi là môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa"; đồng thời, đề nghị tăng tiết học môn giáo dục thể chất.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc tăng hoặc giảm thời lượng môn giáo dục thể chất cần nằm trong tổng thể việc điều chỉnh chương trình giáo dục của các cấp học, bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn. Bởi theo chương trình giáo dục, môn giáo dục thể chất là môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa của mọi cấp học (giáo dục phổ thông, cao đẳng, đại học). Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở phần lớn các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được việc tổ chức dạy bơi. Hầu hết các trường chưa có bể bơi (chỉ có 0,4-0,6% số trường phổ thông và 13% số trường đại học có bể bơi). Nếu quy định bơi là môn học bắt buộc sẽ tạo áp lực đối với nhà trường, phụ huynh và bản thân học sinh, sinh viên, buộc các trường phải thực hiện trong điều kiện không thể sẽ dẫn đến hiện tượng làm theo hình thức, không hiệu quả. Để khắc phục tình trạng đuối nước của trẻ em, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 05/2/2016 phê duyệt chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong việc kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông. Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi của điều luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung quy định trách nhiệm của nhà trường trong việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển môn bơi. Đồng thời, nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, dự thảo Luật còn quy định nhà trường có trách nhiệm khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các môn thể thao dân tộc và thành lập câu lạc bộ thể thao của học sinh, sinh viên tại khoản 6 Điều 22.

Về đặt cược thể thao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc bổ sung quy định về đặt cược thể thao trong Dự thảo Luật cần được nghiên cứu, xem xét. Vì trong những năm qua, thị trường đặt cược thể thao trên thế giới có xu hướng phát triển nhanh. Nhiều quốc gia đã chính thức hợp pháp hóa hoạt động đặt cược thể thao, điển hình như Mỹ, Anh, Australia, Nga, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Brazil; hay một số quốc gia châu Á có điều kiện xã hội gần với Việt Nam, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Campuchia... Ngoài ra, việc hợp thức hóa thị trường đặt cược thể thao nhằm quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của thị trường này, hạn chế các tác động xấu đối với xã hội, đáp ứng nhu cầu về giải trí của một bộ phận người dân và đem lại một khoản thu cho ngân sách nhà nước.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần cho phép bổ sung nội dung về đặt cược thể thao theo hướng chỉ quy định khái niệm, nguyên tắc đặt cược thể thao và giao Chính phủ quy định danh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược thể thao; quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao.

Trưởng Ban Dân Nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu ý kiến tại phiên họp

Về quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao. Để khuyến khích các vận động viên yên tâm luyện tập, thi đấu, cống hiến cũng như để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của vận động viên, Dự thảo Luật đã bổ sung chính sách ưu đãi đối với vận động viên cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngành bị tai nạn trong quá trình tập luyện, thi đấu thể thao làm mất khả năng lao động hoặc chết thì vận động viên, thân nhân của họ được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định của pháp luật; vận động viên không còn khả năng thi đấu thể thao được Nhà nước tạo điều kiện học nghề và giải quyết việc làm, được ưu tiên tuyển dụng làm việc tại các cơ sở thể thao.

Theo Trưởng Ban Dân Nguyện Nguyễn Thanh Hải, cần có quy định chi tiết trong Dự thảo Luật Thể dục, thể thao về chính sách, chế độ giải quyết việc làm cho các vận động viên khuyết tật và các vận động viên chuẩn bị nghỉ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu kết luận

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu các ý kiến thảo luận và phối hợp với Ban soạn thảo rà soát lại Dự thảo Luật và xin ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội ở phiên họp tiếp theo./.

 

Thu Phương