UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan đã khẩn trương, chủ động phối hợp chặt chẽ trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Đây là dự án Luật khó, có tác động lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nhiệp và cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; rà soát các nội dung sửa đổi bảo đảm đáp ứng các yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và thực hiện chủ trương đổi mới trong công tác xây dựng luật, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật, góp phần tạo đột phá, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên và trong những năm tiếp theo liên tục trên 2 con số.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Về một số nội dung cụ thể:
1. Đối với những nội dung đã thống nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị:
- Về các quy định ưu đãi thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nguyên tắc ưu đãi thuế cần được quy định trong văn bản pháp luật về thuế; không lồng ghép các chính sách ưu đãi thuế trong luật chuyên ngành để bảo đảm tính tổng thể, nhất quán của hệ thống ưu đãi thuế. Đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát các ưu đãi thuế trong các luật chuyên ngành bao gồm các luật đã ban hành và các luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 để bảo đảm được xử lý phù hợp trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), lưu ý rà soát để phù hợp với Luật Thủ đô và không để xảy ra vướng mắc khi áp dụng pháp luật.
- Đối với các nội dung đã được thống nhất khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ: (1) Nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý phù hợp về các khoản thu nhập chịu thuế, các khoản thu nhập chịu thuế khác để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, chặt chẽ hoặc giao Chính phủ quy định cụ thể; (2) Đề xuất phương án ưu đãi thuế hợp lý cho các cơ quan báo chí; (3) Rà soát tách bạch rõ điều khoản thi hành, điều khoản chuyển tiếp bảo đảm khả thi và thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp
2. Đối với các nội dung còn ý kiến khác nhau giữa Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo, về nguyên tắc, phương án giải trình, tiếp thu cần tập trung theo hướng góp phần thực hiện các nghị quyết của Đảng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo đột phá trong khoa học công nghệ, tạo động lực tăng trưởng nhanh, bền vững; bảo đảm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách. Đối với những nội dung chưa lường hết các rủi ro, chưa đánh giá kỹ tác động, chưa đạt sự đồng thuận, không phải là vấn đề cấp bách đề nghị cân nhắc chưa sửa đổi, như quy định cho phép bù trừ lãi từ kinh doanh bất động sản với lỗ từ các hoạt động kinh doanh khác.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí chủ trương nghiên cứu hình thức cho trừ chi phí bổ sung đối với các khoản chi nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp như đã được quy định tại một số nghị quyết thí điểm để góp phần triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Bổ sung vào dự thảo Luật nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết trong các văn bản thi hành Luật về chi phí được trừ, mức trừ bổ sung, phạm vi áp dụng đối với các khoản chi của doanh nghiệp cho các hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ, cần nghiên cứu thêm các quy định để tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết 57-NQ/TW.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp
- Đối với các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt, đồng ý phương án giao Chính phủ quy định cụ thể trong văn bản hướng dẫn thi hành luật về thời gian giải ngân tổng số vốn đầu tư, việc kéo dài thời gian hưởng ưu đãi và các các mức ưu đãi bổ sung.
- Nghiên cứu, bổ sung nội dung các tổ chức khoa học, công nghệ, cơ sở giáo dục đại học công lập hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận vào đối tượng miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
3. Đối với vấn đề ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài thuộc diện chịu thuế Tối thiểu toàn cầu, đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ ý kiến Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghiên cứu xây dựng phương án tối ưu bảo đảm môi trường đầu tư, thống nhất trong các chính sách để không vi phạm các quy định của OECD về các cam kết quốc tế, không làm phát sinh thêm thủ tục, chi phí tuân thủ không cần thiết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để rà soát, hoàn thiện dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và các tài liệu liên quan, thực hiện các bước công việc theo quy định, bảo đảm chất lượng dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức bằng văn bản đối với các nội dung trong Báo cáo về các nội dung cơ bản và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 25/3/2025 để thống nhất các phương án, hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định.