Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chủ trì Hội thảo tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)

28/03/2025

Sáng 28/3, tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) do Ủy ban Văn hoá và Xã hội tổ chức. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đặng Thuần Phong đồng chủ trì hội thảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chủ trì Tọa đàm tham vấn chuyên gia về dự thảo Luật Nhà giáo

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhận định việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về việc làm là nội dung quan trọng của việc thực hiện đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; gắn với đổi mới quản trị quốc gia. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu quan tâm các vấn đề cụ thể như thể chế hóa đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng về bảo đảm quyền làm việc - quyền cơ bản có tính hiến định của con người, tạo việc làm bền vững với thu nhập tương xứng cho người lao động.

Về đăng ký lao động và xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động, cần quán triệt và thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết 57 về phát triển hạ tầng số, đưa dữ liệu trở thành tư liệu sản xuất chính để cụ thể hóa vào các quy định ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, tạo thuận lợi cho người đăng ký; chia sẻ, kết nối đồng bộ trong hệ cơ sở dữ liệu quốc gia. Bảo đảm tính khả thi của các quy chuẩn chuyên môn và điều kiện bảo đảm hoạt động đào tạo nghề tại doanh nghiệp; đa dạng hóa các loại hình đào tạo với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ. Đổi mới mạnh mẽ chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống dịch vụ việc làm, tăng cường ứng dụng công nghệ vào việc thu thập thông tin, cung cấp dịch vụ cho người lao động và doanh nghiệp. Phải bảo đảm cải cách hành chính; bảo đảm sự tương thích, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và phù hợp với các cam kết, tiêu chuẩn về lao động, việc làm trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại hội thảo 

Về cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành khi cập nhật, chia sẻ dữ liệu và tránh trùng lắp thông tin hoặc thiếu đồng bộ giữa các hệ thống (bảo hiểm xã hội, thuế, lao động) tại khoản 2, điều 19, đại biểu Kiều Minh Sinh, Trưởng ban chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của từng cơ quan trong việc kết nối, cặp nhật và bẻo vệ dữ liệu và cơ chế xử lý sau sót dữ liệu (nếu thông tin bị nhập sai, trùng lắp,…). Về bảo hiểm thất nghiệp tại khoản 1, điều 36 của dự thảo, đại biểu cho ý kiến đưa cán bộ công chức vào tham gia BHTN vì chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế và không còn khái niệm “công chức, viên chức suốt đời”. Đối với khoản 2, điều 36 về trường hợp không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định cho phép người lao động tiếp tục đóng và hưởng BHXH, BHTN như hiện nay.

Ông Kiều Minh Sinh, Trưởng Ban chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai phát biểu tại hội thảo

Về triển khai Đề án 06 và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và khả năng chia sẻ, kết nối của dữ liệu này với cơ sở dữ liệu về người lao động, đại biểu Tiêu Minh Dưỡng, Phó Giám đốc Sở nội vụ TP Cần Thơ đề nghị ngành Công an cung cấp cơ sở dữ liệu người lao động bằng văn bản giấy để có cơ sở dữ liệu người lao động, định kỳ. Đối với thông tin thị trường lao động, đại biểu thống nhất với nội dung hệ thống thông tin thị trường lao động trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Tuy nhiên, để hoàn thiện nội dung, đề nghị bổ sung khoản 1 Điều 24 Luật Việc làm (sửa đổi) như sau: "Các thông tin khác liên quan đến thị trường lao động”.

 Ông Tiêu Minh Dưỡng – Phó Giám đốc Sở nội vụ TP Cần Thơ phát biểu tại hội thảo 

Đối với quy định về phát triển kỹ năng nghề trong Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Lê Đình Kha, Hiệu trưởng trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM cho rằng, các điều khoản của Dự thảo Luật việc làm là đầy đủ, tuy nhiên rất cần có thông tư, nghị định, văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết, phù hợp để kỹ năng nghề Việt Nam phát triển theo kịp kỹ năng nghề thế giới. Tại Khoản 3 điều 27; Khoản 3 điều 28; Khoản 6 điều 28; Khoản 3 điều 29; Khoản 2 điều 30…: Chính phủ qui định chi tiết, bao gồm tất cả các điều trong luật việc làm về phát triển kỹ năng nghề, cần xem xét đưa vào cụ thể hoặc phân cấp kịp thời trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tại Khoản 1a, 1b điều 26 cần bổ sung thêm khung thời gian để cập nhật và công bố hàng năm (hoặc định kỳ).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại hội thảo

Dự thảo Luật Việc làm đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Bên cạnh những ý kiến thảo luận về những chế định cốt lõi, có tính truyền thống của chính sách việc làm, nhiều ý kiến đã gợi mở những vấn đề rất mới, có tính thời sự. Tuy chỉ hơn 3 tháng nhưng thực tiễn đang tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến sửa đổi Luật Việc làm. Bên cạnh đó, việc thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp cũng đang đặt ra nhiều vấn đề về thiết kế hệ thống quản trị thị trường lao động, thực thi chính sách việc làm; bảo đảm quyền làm việc và giải quyết việc làm cho số lao động chuyển từ khu vực công…

Ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hoá và Xã hội sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa để điều chỉnh phù hợp, nhằm hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong xu thế mới.

Mỹ Tho