Tổng Bí thư: Chú trọng tháo gỡ các rào cản về thể chế để phát triển khoa học công nghệ
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển thông qua nhiều chính sách
Chiều 12/2, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 42. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì Phiên họp.
Tham dự Phiên họp có các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học…
Toàn cảnh Phiên họp
Đề cập về sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, trong quá trình triển khai thi hành pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, một số nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn nhằm phát triển khoa học công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội.
Việc xây dựng Nghị quyết nhằm thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Tạo cơ sở pháp lý để tác động một cách tích cực, hiệu lực và hiệu quả, thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia qua đó, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, bảo đảm an ninh, an toàn cho quốc gia, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy
Nghị quyết này quy định về thí điểm một số chính sách về tháo gỡ chi tiêu tài chính từ ngân sách nhà nước, hoạt động của tổ chức và nhân lực trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập; thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp, đầu tư, đấu thầu, tài chính; thí điểm thử nghiệm có kiểm soát triển khai dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh tầm thấp và cơ chế thí điểm thử nghiệm có kiểm soát để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Phát biểu một số ý kiến thẩm tra bước đầu đối với báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn khẳng định, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đối số quốc gia với những cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn và quan điểm, mục tiêu đã được nêu tại Tờ trình số 85/TTr-CP ngày 12/02/2025.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, để kịp thời thể chế hóa quan điểm đổi mới nêu trong Nghị quyết số 57-NQ/TW thì việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là cần thiết. Tuy nhiên, Chính phủ cần lựa chọn tiêu chí để dưa vào Nghị quyết thí điểm này như tính đột phá, vượt trội, trọng tâm, trọng điểm; chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; yêu cầu giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ; đóng góp thiết thực cho mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%... để tránh việc lợi dụng nhằm hợp thức hóa một số quy định đã thực hiện mà chưa có quy định pháp luật.
Chọn lọc những vấn đề trọng tâm để tháo gỡ vướng mắc
Trong khuôn khổ Phiên họp, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học nhất trí với các nội dung được đưa ra lấy ý kiến tại dự thảo Nghị quyết. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, trong dự thảo Nghị quyết cần chọn lọc những vấn đề trọng tâm để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt liên quan đến nguồn lực và nhân lực về khoa học công nghệ. Cơ chế Quỹ Khoa học công nghệ phải được bố trí để thực hiện các nhiệm vụ. Cần thiết nên có chế độ tự động để chuyển nguồn đầu tư và phát triển khoa học công nghệ, chứ không để các cơ quan, doanh nghiệp phải đợi chờ chuyển nguồn kinh phí.
Các nhiệm vụ khoa học công nghệ muốn được quyết toán thuận lợi thì Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết cần đặt việc tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong mối tương quan giải quyết những vướng mắc của Luật Ngân sách Nhà nước. Cần thiết trong dự thảo Nghị quyết cần có thêm quy định khoán chi, bổ sung nguồn ngân sách Nhà nước cho các đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ.
Các đại biểu dự phiên họp
Đối với Quỹ đầu tư mạo hiểm, có ý kiến chuyên gia nêu quan điểm, nên giao cho Chính phủ hoặc Bộ ngành nào đó vận hành Quỹ Đầu tư mạo hiểm, bảo vệ các đề tài khoa học mạo hiểm cũng như cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Chỉ nên tập trung vào Quỹ Khoa học công nghệ quốc gia và Quỹ Đầu tư mạo hiểm. Khuyến khích các tổ chức khoa học công nghệ tư nhân và cơ quan Nhà nước nên có sự hỗ trợ; tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ. Bên cạnh đó cần khơi dậy nguồn lực của khối doanh nghiệp tư nhân cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khuyến khích sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Đối với việc phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều đại biểu, chuyên gia cho rằng, trong dự thảo Nghị quyết nên có quy định để các nhà khoa học được quyền sở hữu, định giá chuyển giao công nghệ. Điều này sẽ góp phần khắc phục được tình trạng đề tài khoa học bị bỏ vào ngăn kéo, không được áp dụng trong thực tiễn cuộc sống, lãng phí ngân sách Nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Phát biểu kết luận tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời đề nghị các Bộ, cơ quan bao quát hết các vấn đề, nhiệm vụ, nhóm chính sách trong việc đổi mới hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được đóng góp tại Phiên họp này để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 42.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Toàn cảnh Phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại Phiên họp
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm
TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đóng góp ý kiến
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An nêu quan điểm
PGS.TS Lê Bộ Lĩnh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Phiên họp.