Cần có chính sách mang tính đột phá xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo

16/10/2024

Theo dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 8 tới, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Nhà giáo. Góp ý hoàn thiện dự án Luật này, các đại biểu cho rằng, cần có các chính sách mang tính đột phá, chính sách đặc thù được thể hiện trong dự án Luật để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, bảo đảm chất lượng giáo dục, góp phần phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Rà soát dự án Luật Nhà giáo đảm bảo tính thống nhất với các luật liên quan

Theo dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 8 tới, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Nhà giáo. Tham gia góp ý hoàn thiện dự án Luật này, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo, nhất là quan điểm “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục.

Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, cần có các chính sách mang tính đột phá, chính sách đặc thù được thể hiện trong dự án Luật nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, bảo đảm chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật quy định về nhà giáo. Dự án Luật được kỳ vọng sẽ bổ sung một số chính sách mới, mang tính đột phá, đặc thù để xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo. Trong đó, chính sách tiền lương là một trong những chính sách kỳ vọng thể hiện được tính đột phá trong dự án Luật này. Dự thảo Luật quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề, các phụ cấp khác để đảm bảo cho nhà giáo yên tâm công tác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ

Cùng với đó, vấn đề giáo viên là người DTTS, giáo dục ở vùng đồng bào DTTS&MN cũng được kỳ vọng có các chính sách cho đội ngũ nhà giáo giảng dạy ở khu vực này được thể hiện trong dự thảo Luật. “Thậm chí đối với các thầy cô giáo là dân tộc Kinh nhưng giảng dạy ở vùng đồng bào DTTS&MN thì sẽ có chính sách như thế nào? Cơ quan soạn thảo cũng cần phải tính toán đến. Mặc dù hiện nay chúng ta đã có những chế độ, chính sách tiền lương và thu nhập đối với giáo viên vùng DTTS&MN nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn khác nữa như đi lại như thế nào, chính sách thu hút để giáo viên đến với vùng khó khăn nhiều hơn và giữ chân được giáo viên? Hay giáo viên mầm non ở vùng miền núi cũng được các cử tri rất quan tâm”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ nêu quan điểm.

Về phạm vi điều chỉnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ cho biết, dự thảo Luật hiện có 9 chương, 45 điều, phạm vi điều chỉnh đã rõ hơn so với dự thảo trước đây gồm nhà giáo công lập, ngoài công lập và giáo viên là người nước ngoài hoạt động giảng dạy và nghiên cứu tại Việt Nam.

Ngoài ra, đối với nhà giáo giảng dạy trong các môi trường đặc biệt như công an, quân đội..., Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ đề nghị dự thảo Luật cần tính toán tới các đối tượng giảng dạy trong lực lượng vũ trang cũng như quan tâm đến giáo viên giảng dạy trong các trường dành cho người khuyết tật, “vì các thầy cô nhóm này rất vất vả và khó khăn hơn nhiều, phải vừa giảng dạy, vừa chăm lo về tinh thần, sức khỏe nên tính đặc thù rất cao”.

Băn khoăn về nguồn lực của một số số chính sách mới như hỗ trợ nhà giáo, chính sách tiền lương, định mức thụ hưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ cho rằng, hiện nay khả năng bố trí ngân sách của Nhà nước như thế nào khi các chính sách này được triển khai thực hiện? Đồng thời Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng bày tỏ băn khoăn về chính sách miễn học phí cho con nhà giáo, cần xem xét mối tương quan với con của các lực lượng vũ trang, con của hộ nghèo thì như thế nào? Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát và nghiên cứu các chính sách này để đảm bảo công bằng, phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành

Nhấn mạnh các chính sách cơ bản đã được thể hiện trong dự thảo Luật, tuy nhiên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị cần làm rõ hơn một số nội dung cụ thể, tiêu biểu như triết lý giáo dục “tôn sư trọng đạo” cần được thể hiện xuyên suốt trong nội hàm Luật này.

Quan tâm đến chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo được quy định tại Điều 6 của dự thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định tôn vinh, khen thưởng nhà giáo. Đồng thời cụ thể hóa nội dung hoạt động bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp (gồm cả trong và ngoài nhà trường). Các khoản trong Điều này cũng cần được nghiên cứu, sắp xếp lại theo trật tự ưu tiên sao cho phù hợp, nội dung nào quan trọng hơn thì cần được thể hiện ở các khoản đầu.

“Về chính sách tiền lương và thu nhập, cần quy định thêm chính sách tiền lương ở các khu vực, các vùng khác nhau, hay cho các ngành nghề, lĩnh vực như mầm non, tiểu học hoặc chính sách cho giáo viên ở các trường chuyên đặc thù như trường dành cho người khuyết tật… Vấn đề thuế thu nhập đối với giáo viên, giảng viên trong hoạt động nghiên cứu và đào tạo cũng cần được quy định, cụ thể hóa luôn trong Luật”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc kiến nghị. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, cần quy định tường minh các vấn đề này trong chính sách đối với đội ngũ nhà giáo vì đây là những hoạt động đặc thù cần được thể hiện trong Luật cho phù hợp.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà

Đồng tình với các ý kiến nêu trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật cơ bản đã bao quát được, tuy nhiên, dự thảo chỉ đang điều chỉnh cơ sở giáo dục công lập là đa phần, chưa tương quan với cơ sở giáo dục tư nhân. Trong khi hiện nay cơ sở giáo dục tư nhân đang phát triển nhanh và cập nhật những xu hướng hiện đại nhanh hơn khu vực công. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét, rà soát thêm.

Các quy định liên quan đến phân hạng, xét tuyển, đánh giá, tổ chức biệt phái đang tiếp cận theo hướng giáo dục công lập quốc dân. Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính khái quát và phù hợp với các quy định về sử dụng, tuyển dụng, đánh giá và khen thưởng đối với nhà giáo. Đồng thời rà soát thêm các cơ sở giáo dục công lập vùng DTTS&MN, chế độ, chính sách tuyển dụng cho giáo viên là người DTTS hiện đang công tác tại vùng đồng bào DTTS&MN, quan tâm đến đời sống, hỗ trợ cơ sở vật chất cho họ.

Về chức danh nhà giáo, việc phân định cơ bản phù hợp nhưng cần quan tâm đến nguyên tắc và phạm vi hoạt động cùa các chức danh nhà giáo. “Giảng viên dạy Đại học liệu có được xuống cấp mầm non dạy hay không? Hoặc chuyển các cấp bậc học khác? Việc thỉnh giảng của giáo viên trong các cơ sở giáo dục quốc dân có được giảng dạy ở các cơ sở khác hay không? Chúng ta cần đưa nội dung này vào phạm vi điều chỉnh và đề nghị Chính phủ có quy định cụ thể về các vấn đề này”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà đề nghị./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác