Đề xuất xem xét việc phân cấp, ủy quyền trong phê duyệt chủ trương đầu tư

11/10/2024

Sáng 11/10, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Luật Đầu tư công (sửa đổi).

HÀ NỘI: ĐA DẠNG HÌNH THỨC TIẾP XÚC GIỮA ĐBQH VỚI CỬ TRI

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Phạm Thị Thanh Mai chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên; đại diện các Ủy ban của Quốc hội; đại diện sở, ngành Thành phố và các chuyên gia.

Quang cảnh hội nghị. 

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí cao về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Sửa luật để nâng cao hiệu quả giám sát

Góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, các đại biểu đề nghị cần phân biệt rõ chất vấn và giải trình trong Dự thảo Luật; rà soát lại nội dung, khái niệm quy trình chất vấn và giải trình; đồng thời quy định rõ tiêu chí lựa chọn vấn đề giải trình của HĐND.

Đại biểu Quốc hội chuyên trách Nguyễn Tuấn Thịnh điều hành thảo luận.

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Đào Thịnh Cường, nội dung chất vấn cần có số liệu cụ thể, tạo sự bình đẳng giữa chủ thể giám sát và được giám sát, tránh tình trạng thông tin chất vấn chưa chính xác. Đồng chí Đào Thịnh Cường đề nghị bổ sung cơ chế kiểm chứng thông tin chất vấn để bảo đảm quyền phải đi đôi với trách nhiệm. Với quy định đại biểu Quốc hội không đồng ý có quyền chất vấn lại, cần làm rõ nội hàm của việc "không đồng ý", phải có cơ sở để tránh hỏi vòng vo.

Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố cho rằng, dự thảo Luật đã thể chế hoá đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của HĐND... Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến đề nghị bỏ từ "cho phép" trong các nội dung quy định ở dự thảo Luật hoặc thay bằng từ khác vì từ này thể hiện cơ chế "xin-cho".

PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, chế tài truy đến cùng, công khai việc trả lời chất vấn bằng văn bản và đăng trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội là nội dung hay, tuy nhiên cần quy định cụ thể việc trả lời như thế nào, quy trình tương tác ra sao khi công khai.

Theo Trưởng ban Đô thị HĐND Thành phố Đàm Văn Huân, dự thảo Luật nên khẳng định rõ việc lựa chọn vấn đề giám sát. Đồng thời để bảo đảm hiệu quả giám sát, cần có quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm cung cấp thông tin về kết luận giám sát của các Ban cho các cơ quan báo chí.

Trưởng ban Đô thị HĐND Thành phố Đàm Văn Huân đóng góp ý kiến

PGS.TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội bày tỏ đồng tình với việc Dự thảo Luật quy định bổ sung các điều luật quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn.

Tháo gỡ điểm nghẽn phát sinh trong thi hành Luật Đầu tư công

Đa số đại biểu đánh giá Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã kế thừa được ưu điểm của Luật Đầu tư công năm 2019; xử lý được nhiều khó khăn, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cắt, giảm, đơn giản hoá trình tự, thủ tục...

Góp ý cụ thể, PGS.TS Phạm Văn Hùng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, khái niệm vốn đầu tư công trong dự thảo luật có điểm chưa thỏa đáng, khi quan niệm "vốn đầu tư công bao gồm cả vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật" cũng là vốn đầu tư công. Như vậy vốn đầu tư công có thể bao gồm cả đầu tư của đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính toàn diện và hoạt động theo cơ chế thị trường. Theo PGS.TS Phạm Văn Hùng, quy định này không tương thích với quy định về nợ công hiện hành, không bao gồm nợ của doanh nghiệp Nhà nước hay đơn vị sự nghiệp công lập tự vay tự trả.

Đại biểu tham gia góp ý Luật tại hội nghị. 

Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị trong Luật Đầu tư công cần sắp xếp thứ tự ưu tiên huy động vốn như sau: dự án có vốn tư nhân trong nước đăng ký (vốn tư nhân, PPP); dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và trái phiếu địa phương theo quy định trần nợ công; dự án sử dụng vốn đầu tư công hoặc hỗn hợp vốn đầu tư công và vốn trái phiếu; cuối cùng vẫn không đủ vốn thì mới tiếp cận ODA.

Trưởng ban Đô thị HĐND Thành phố Đàm Văn Huân đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại vấn đề phân cấp, ủy quyền; làm rõ tiêu chí phân loại dự án nhóm A-B-C, căn cứ để đưa ra số tiền vốn.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Phạm Thị Thanh Mai đã ghi nhận những ý kiến đóng góp chất lượng cao của các đại biểu đối với 2 dự thảo Luật và cho biết sẽ tiếp thu, tổng hợp chuyển đến các cơ quan soạn thảo và Quốc hội xem xét theo đúng quy định./.

Song Anh

Các bài viết khác