Luật quy định chung, giao quyền thành lập Ủy ban cụ thể trong từng thời kỳ cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội

12/02/2025

Sáng 12/2, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9 cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đa số ý kiến tại Tổ 01 (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) thống nhất với sự cần thiết sửa đổi để thực hiện chủ trương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị và kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật.

Tổng thuật: Khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV

Toàn cảnh Thảo luận Tổ 01

Bộ máy giúp việc của Quốc hội cần đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, các ý kiến thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, nhằm thực hiện chủ trương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chỉ quy định chung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; còn việc thành lập từng Ủy ban cụ thể do Quốc hội quyết định căn cứ vào chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước trong từng thời kỳ, nhằm bảo đảm tính ổn định, lâu dài của Luật.

Các ý kiến cũng đánh giá, việc thành lập Ủy ban Công tác đại biểu, Ủy ban Giám sát và Dân nguyện là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị cân nhắc chỉ nên quy định tên gọi Ủy ban Dân nguyện – như vậy đã bao gồm cả chức năng giám sát; ngoài ra cần làm rõ chức năng “giám sát” của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tại Điều 68 của dự thảo luật có chồng chéo với chức năng giám sát của Ủy ban Giám sát và Dân nguyện.

Cũng quan tâm đến tên gọi các cơ quan của Quốc hội, một số ý kiến đề nghị đổi tên gọi của Hội đồng Dân tộc thành Ủy ban Dân tộc để đảm bảo ngắn gọn, thống nhất với các ủy ban khác của Quốc hội.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai điều hành nội dung thảo luận Tổ 01

Một số đại biểu cho rằng, việc tổ chức lại các phiên họp của Quốc hội là cần thiết, nhưng cần quy định cụ thể, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan của Quốc hội; xem xét quy định cụ thể hơn về quy chế phối hợp công tác để đảm bảo bộ máy giúp việc của Quốc hội tinh gọn, nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý, điều phối hiệu quả…

Đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản

Cho ý kiến đối với dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), các ý kiến nhất trí với quan điểm sửa đổi luật, theo đó các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ được xem xét, thông qua trong một kỳ họp, nhằm đẩy nhanh tiến độ ban hành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng của văn bản. Đặc biệt là kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội 

Về định hướng lập pháp của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Phương Thủy – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, đây là điểm mới của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đến nay, các cơ quan đang tiếp tục triển khai thực hiện, đóng góp quan trọng vào việc Quốc hội thông qua số lượng luật lớn. Qua đó, đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn tại Điều 23 của dự thảo luật về trách nhiệm triển khai định hướng xây dựng pháp luật.

Về quan hệ giữa quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo văn bản, các ý kiến tán thành với cách thiết kế các quy định của dự thảo Luật đối với nội dung này. Theo đó, dự thảo luật về cơ bản đã “phân định rõ quy trình chính sách và quy trình soạn thảo”, thể chế hóa được yêu cầu “Chính phủ, cơ quan trình dự án quyết định chính sách làm cơ sở cho việc soạn thảo” tại Kết luận số 119-KL/TW; làm rõ vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng chính sách.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, rà soát để có thể quy định gọn hơn quy trình soạn thảo đối với dự án đã thực hiện quy trình xây dựng chính sách để tránh trùng lặp về quy trình, thủ tục, góp phần đẩy nhanh hơn tiến độ xây dựng văn bản.

Một số hình ảnh tại Tổ 01:

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 1

Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu

Đại biểu tham gia thảo luận Tổ 01

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu

Đại biểu tham gia thảo luận Tổ 01

Lan Hương - Phạm Thắng