Nghiên cứu kết nối đường sắt cao tốc với hệ thống giao thông hiện hữu

13/11/2024

Sáng 13/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Tại tổ 8, các đại biểu cho rằng việc kết nối đường sắt cao tốc với hệ thống giao thông hiện hữu là một vấn đề hết sức quan trọng. Do đó, cần có những tính toán kỹ lưỡng về phương án đầu tư kết nối, đảm bảo thu hút tối đa người dân sử dụng và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Thảo luận Tổ 8: Tăng cường năng lực, bảo đảm để HĐND Thành phố thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 8 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Tp. Cần Thơ.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí cho rằng, việc đầu tư Dự án đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối với hệ thống đường sắt trong khu vực và Châu Á; mở ra không gian phát triển kinh tế mới; tạo động lực lan tỏa, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam từ sản xuất vật liệu đến chế tạo cơ khí, xây dựng hạ tầng, điện, công nghệ số...

Các ý kiến cũng cho rằng, Dự án đã được xác định tại Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội  được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua và Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 20/9/2024 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Dự án được lập cơ bản phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các Quy hoạch vùng  và các Quy hoạch tỉnh có liên quan đã được phê duyệt. Tuy nhiên, Dự án đi qua thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đến nay quy hoạch tỉnh của các địa phương này vẫn chưa phê duyệt, vì vậy đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát, cập nhật, cụ thể hóa Dự án này và sớm phê duyệt quy hoạch tỉnh để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy hoạch.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ nhấn mạnh, việc chuẩn bị nhân lực, xây dựng kế hoạch vận hành, quản lý dự án một cách hiệu quả, đồng thời đảm bảo quá trình chuyển giao công nghệ diễn ra suôn sẻ là những yếu tố then chốt sẽ góp phần vào thành công của dự án quy mô lớn này. Ủng hộ quyết định của Chính phủ khi trình Quốc hội 19 chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án, đại biểu đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét kỹ lưỡng, bổ sung các chính sách đặc thù khác nếu cần thiết để đảm bảo dự án được thực hiện một cách hiệu quả nhất.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ phát biểu

Bên cạnh đó, việc đánh giá toàn diện các rủi ro tiềm ẩn trong quá trình triển khai dự án, bao gồm rủi ro về vốn, nhân lực, giải phóng mặt bằng và công nghệ là vô cùng cần thiết. Việc chủ động nhận diện và có các giải pháp ứng phó kịp thời sẽ giúp giảm thiểu tối đa những khó khăn, đảm bảo dự án tiến hành theo đúng kế hoạch.

Theo đại biểu, thời gian hai năm rưỡi (2025-2027) có thể hơi ngắn so với một dự án quy mô lớn như vậy. Việc dành thêm thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ giúp chúng ta triển khai dự án một cách thông suốt và hiệu quả hơn. Cùng với đó, đại biểu nêu quan điểm, việc kết nối đường sắt cao tốc với hệ thống giao thông hiện hữu là một vấn đề hết sức quan trọng. Do đó, cần có những tính toán kỹ lưỡng về phương án đầu tư kết nối, đảm bảo công tác này hoàn thành đồng bộ với dự án chính để thu hút tối đa người dân sử dụng và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Trong khi đó, chia sẻ về trải nghiệm đường sắt cao tốc tại Nhật Bản và tại Pháp, đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ cho rằng hoạt động di chuyển bằng đường sắt tốc độ cao rất thuận lợi, tạo điều kiện để phát triển nhiều ngành khác như du lịch. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn về công năng của tuyến đường sắt tốc độ cao này là kết hợp cả vận tải hàng hoá và hành khách hay tách riêng và chỉ sử dụng khi cần thiết; lo ngại về năng lực quản trị, vận hành dự án và nguy cơ đội vốn…

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu

Nhấn mạnh rằng hiện nay các điều kiện thực hiện Dự án đã chín muồi, các nguồn lực nội tại đã được chuẩn bị đầy đủ, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, con tàu cao tốc này như con rồng hiện thân, vươn lên để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, đại biểu cũng dẫn bài học kinh nghiệm của các tuyến đường sắt đô thị triển khai ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vừa chậm tiến độ, vừa đội vốn, để nêu rõ, cần thực hiện việc nghiên cứu, chuẩn bị cho dự án đường sắt tốc độ cao thật kỹ lưỡng để bảo đảm hoàn thành dự án đúng tiến độ và chất lượng.

Về nguồn lực, đại biểu cho rằng, không nên e ngại việc vay vốn nước ngoài. Các quỹ ngoại tham gia mua trái phiếu Chính phủ ngày một tăng. Chúng ta có thể sử dụng thị trường trái phiếu Chính phủ để thu hút nguồn vốn nước ngoài, tập trung cho dự án này.

Về công nghệ, đại biểu cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải phải tập trung các chuyên gia để quyết định chọn công nghệ nào cho phù hợp, trong đó, cần đặt niềm tin vào các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp quốc gia của Việt Nam trong việc nắm bắt, nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ. Theo đại biểu, người Việt Nam rất thông minh, trí tuệ, có thừa khả năng làm chủ công nghệ. Việc cần làm là tạo cơ chế để doanh nghiệp Việt Nam tham gia ngay từ đầu vào dự án này.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, Dự án đường sắt cao tốc này được thiết kế với công nghệ đường ray hiện đại, cho phép tàu đạt tốc độ tối đa lên đến 350km/h. Mặc dù thiết kế ban đầu cho phép vận chuyển cả hành khách và hàng hóa, nhưng trong quá trình vận hành, tàu sẽ ưu tiên tập trung vào vận chuyển hành khách và phục vụ các mục tiêu an ninh quốc phòng khi cần thiết. Việc vận chuyển hàng hóa sẽ được thực hiện thông qua hệ thống đường sắt hiện hữu, đường bộ và đường biển ven bờ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu

Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam trong tương lai (đến năm 2050) là rất lớn, ước tính khoảng 18 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, với việc nâng cấp và dành riêng đường sắt hiện hữu cho mục đích vận chuyển hàng hóa, cùng với sự hỗ trợ của hệ thống vận tải đường bộ và đường biển ven bờ, chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu này. Đặc biệt, đường biển ven bờ được đánh giá là phương thức vận chuyển hàng hóa hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất, đặc biệt phù hợp với các tuyến đường dài.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, các nghiên cứu quốc tế cũng cho thấy việc kết hợp vận chuyển hành khách và hàng hóa trên cùng một tuyến đường sắt sẽ làm giảm hiệu quả và hiệu suất vận chuyển hành khách. Tàu cao tốc được thiết kế để vận chuyển hành khách với tốc độ cao, trong khi tàu hàng lại có tốc độ di chuyển chậm hơn nhiều (từ 80-100km/h). Vì vậy, việc phân chia rõ ràng các loại hình vận tải sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng hệ thống đường sắt.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh phiên họp

Đại biểu Bùi Văn Nghiêm, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phát biểu

Đại biểu Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ tại phiên họp

Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long tại phiên họp

Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu 

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội đã nêu./.

Hồ Hương - Minh Thành