Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam góp phần tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội

13/11/2024

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 13/11, tại Nhà Quốc hội, thảo luận tại Tổ 3 về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các đại biểu cơ bản nhất trí cao với chủ trương đầu tư Dự án này nhằm hiện đại hóa hệ thống giao thông nước ta, góp phần tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ hơn, rà soát kỹ lưỡng các nội dung để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

Đảm bảo khả thi, chặt chẽ trong các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy

Toàn cảnh Phiên thảo luận ở Tổ 3

Tổ 3 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Nghệ An, Bắc Giang và Quảng Ngãi. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quãng Ngãi Đặng Ngọc Huy, Tổ phó Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí cao với chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam nhằm hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và thực hiện các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm tạo tiền đề quan trọng để đưa đất nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, đảm bảo nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng tình cao với chủ trương này, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, đã đến thời điểm chúng ta cần cân nhắc để hiện đại hóa hệ thống giao thông nước ta, đồng thời việc đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đánh giá cao Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế rất chi tiết về nội dung này, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị Chính phủ cần có báo cáo giải trình kỹ lưỡng hơn về các vấn đề đã nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Về tổng mức vốn đầu tư cho Dự án, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho biết, hiện tổng vốn của chúng ta bằng khoảng 49% tổng vốn đầu tư công trung hạn nguồn NSTW giai đoạn 2021 - 2025, như vậy đã vượt so với quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công năm 2019. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng nội dung này vì với quy định như vậy, chúng ta đã xác định được mức rủi ro của nền kinh tế. Nếu vượt qua mức độ rủi ro thì cần phân tích để có giải pháp phòng ngừa tất cả các rủi ro, bất ngờ có thể xảy ra cho nền kinh tế. Đồng thời cần cân nhắc kỹ về chi phí vận hành để có thể đáp ứng được. Vì qua các báo cáo nghiên cứu cho thấy, chi phí cho nguồn điện để vận hành hệ thống đường sắt tốc độ cao là tương đối lớn.

Về kỹ thuật, đại biểu đề nghị cần giải thích rõ phương án tải trọng trục vì hiện đang quy định ở mức rất cao là 22,5 tấn trong khi đó các đường sắt tốc độ cao trên thế giới hiện nay chủ yếu tải trọng trục là 17 tấn. Đại biểu đề xuất phương án tốt nhất nâng cấp đường sắt cũ để chở hàng, còn đường sắt tốc độ cao này chỉ chở khách để giảm chi phí.

Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Góp ý vào nội dung này, đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nêu rõ, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường sắt của chúng ta rất lớn gồm 25 tuyến với tổng chiều dài khoảng 6.354km, trong đó có 7 tuyến đường sắt hiện hữu và 8 tuyến mới. Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là 1 trong 3 tuyến rất quan trọng nằm dọc theo hành lang kinh tế Bắc - Nam và cần phải đầu tư. Đo dó, đại biểu Trần Văn Tuấn hoàn toàn đồng ý với chủ trương đầu tư Dự án này và hết sức cần thiết vì thời điểm này đã đủ điều kiện chín muồi, qua đó góp phần tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời kỳ tới.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Trần Văn Tuấn nhận thấy chưa có sự đánh giá kỹ về sự liên kết, tính đồng bộ giữa tuyến đường sắt cao tốc độ cao Bắc - Nam với các tuyến đường sắt khác. Đại biểu bày tỏ băn khoăn tính hiệu quả của Dự án mang lại thế nào, tác động thế nào giữa tuyến đường sắt tốc độ cao này với các tuyến đường sắt đang hiện hữu và cả những tuyến sẽ quy hoạch trong thời gian tới như thế nào.

Đại biểu Trần Văn Tuấn cho biết, hiện chúng ta đang rất khẩn trương trong việc đầu tư, cải tạo các tuyền đường sắt như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Quảng Ninh… Đây là những tuyến đường sắt rất quan trọng, trong đó có tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng là những tuyến liên vận quốc tế với Trung Quốc. Do đó, bày tỏ băn khoăn giữa tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với các tuyến đường sắt này như thế nào, đại biểu đề nghị Tờ trình của Chính phủ cần đánh giá rõ hơn để thấy được hiệu quả của Dự án mang lại.

Đại biểu Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Nhất trí cao với chủ trương đầu tư Dự án này, đại biểu Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, thời điểm này đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần có lộ trình cụ thể đầu tư cho Dự án này, đồng thời cần nghiên cứu kỹ lưỡng để giảm thiểu tối về lãng phí, đảm bảo an toàn cân đối nền kinh tế, giải quyết hài hòa các bài toán kinh tế khác, tránh quá chú trọng đến Dự án này mà làm ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế. Về công nghệ, đại biểu Trần Đức Thuận đề nghị Chính phủ nghiên cứu vấn đề này để không lệ thuộc quá nhiểu vào công nghệ của nước ngoài, lựa chọn nhà thầu vừa có uy tín vừa có kinh nghiệm, tránh trường hợp rơi vào bẫy nợ. Đồng thời, đại biểu đề xuất kí kết với đối tác theo hướng đầu tư và chuyển giao công nghệ là tốt nhất, từ đó chúng ta có kinh nghiệm và chủ động về công nghệ.

Đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đồng tình với các ý kiến nêu trên, đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nhất trí với sự cần thiết chủ trương đầu tư Dự án này, tuy nhiên bày tỏ băn khoăn về thời gian thực hiện của Dự án là 10 năm thì liệu có đảm bảo khả thi hay không, đề nghị Chính phủ nên cân nhắc.

Ngoài ra, có ý đề kiến nghị Chính phủ đánh giá cụ thể về tác động của việc đầu tư Dự án đến bội chi NSNN, nợ công, khả năng trả nợ của ngân sách nhà nước trong trung hạn và dài hạn, tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc về hạn mức chỉ tiêu an toàn nợ công để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, không gây áp lực trả nợ lên các giai đoạn sau.

Cũng tại Phiên họp, các đại biểu thảo luận về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên thảo luận ở Tổ 3:

Toàn cảnh Phiên thảo luận

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quãng Ngãi Đặng Ngọc Huy, Tổ phó Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Đại biểu Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 3./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức