Hoàn thiện hành lang pháp lý, kiểm soát chặt chẽ thuốc lá thế hệ mới

12/11/2024

Tại phiên chất vấn Tư lệnh ngành Y tế, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ thuốc lá thế hệ mới. Bàn về vấn đề này, các chuyên gia, nhà nghiên cứu phân tích, việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch hoặc hô hấp cho cả người sử dụng và người xung quanh, do đó cần hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý vấn đề này.

Tổng thuật chiều 11/11: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế

Chưa có cơ chế pháp lý quản lý thuốc lá thế hệ mới

Quan tâm đến vấn đề thuốc lá thế hệ mới ở Việt Nam, đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu rõ, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang là mối nguy hiểm cho sức khỏe con người, nhất là ở độ tuổi thanh thiếu niên. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đánh giá thực trạng vấn đề này như thế nào và giải pháp để kiểm soát tình hình này?

Đại biểu Lê Thị Song An, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An chất vấn

Cùng vấn đề, đại biểu Lê Thị Song An, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho biết, thời gian qua, nhiều nước đã ban hành quy định cấm thuốc lá thế hệ mới. Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia đã tuyệt đối cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Ở nước ta, Báo cáo số 520 của Bộ Y cho biết, Bộ đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới khác có thể xuất hiện trong tương lai. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, đến nay Bộ Y tế đã thực hiện được những gì theo nội dung đề xuất trong Báo cáo số 520 của Bộ Y tế ngày 26/4/2024?

Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQh tỉnh Quảng Ninh lo ngại, tình hình sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gia tăng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Do đó, Công điện số 47 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của thuốc lá này. Cụ thể, nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết thời gian nào Bộ trưởng sẽ thực hiện nhiệm vụ này?

Trả lời vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thẳng thắn thừa nhận, hiện chưa có cơ chế pháp lý quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa có khái niệm “Thuốc lá điện tử”, “Thuốc lá nung nóng”; chưa có quy định về phụ kiện, thiết bị đi kèm khi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; chưa giao cho cơ quan nào quy định về quy chuẩn, hay tiêu chuẩn quản lý chất lượng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Khoản 3, Điều 23 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chỉ giao “Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá điếu”. Do vậy, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn

Đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, tới đây sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và trình ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác; trong đó quy định cụ thể về quản lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá mới; trách nhiệm của các bộ ngành liên ngành và cộng đồng trong tăng cường hiệu lực thực thi quy định cấm để kịp thời ngăn chặn tác hại của thuốc lá mới gây ra. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền về tác hại của các sản phẩm thuốc lá bao gồm các sản phẩm thuốc lá mới đến cộng đồng, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Xây dựng tài liệu truyền thông và tổ chức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, các nhóm đối tượng thực thi pháp luật và người dân.

Nên cấm sản xuất, kinh doanh, phân phối thuốc lá thế hệ mới

Dưới góc độ chuyên môn, ThS. BS. Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương đã phân tích tác hại của thuốc lá thế hệ mới đối với sức khỏe. Theo đó, nicotine trong thuốc lá điện tử là chất gây nghiện vả độc hại. Ngoài việc gây nghiện cao, nicotine làm tăng nguy cơ rối loạn tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, sinh sản, ức chế phản ứng miễn dịch và đóng vai trò trong việc gây ung thư thông qua tăng sinh tế bào. Tiếp xúc với nicotin ở trẻ vị thành niên và thai nhi có ảnh hưởng cấp tính hoặc lâu dài đến phát triển não bộ, tiềm năng dẫn đến rối loạn học tập và rối loạn tâm thần kinh.

Nguyên liệu phối trộn dung dịch thuốc lá điện tử từ nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Tại Việt Nam, tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại ma túy vào các sản phẩm thuốc lá điện tử hướng vào đối tượng học sinh, sinh viên và giới trẻ đang rất phức tạp; một số vụ việc đã được điều tra, phát hiện.

ThS. BS. Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương 

ThS. BS. Vũ Văn Thành nêu rõ, thuốc lá điện tử không phải là công cụ cai nghiện thuốc lá. Các sản phẩm phân phối nicotine thay thế như thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, bằng cách nhanh chóng đưa nicotine vào não tương tự như thuốc lá, giúp duy trì chứ không làm mất đi việc nghiên nicotine. Theo Tổ chức Y tế thế giới, thế giới chưa có bằng chứng thuốc lá điện tử giúp cai thuốc mà ngược lại, nhiều người sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường. Việc khuyến khích người hút thuốc chuyển sang hút thuốc lá điện tử không làm cho họ có thể bỏ hút thuốc lá, mà cần thúc đẩy cai thuốc lá để giúp người hút thuốc không bị nghiện tất cả các dạng nghiện nicotine.

Từ phân tích trên, ThS. BS. Vũ Văn Thành nhấn mạnh, các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có chứa các chất độc hại, gây nghiện nên ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả người hút và người xung quanh; gậy bệnh tật, tử vong và các tác hại, hậu quả xã hội, kinh tế, môi trường không thấp hơn so với thuốc lá điếu thông thường. Mặt khác, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ảnh hưởng xấu tới thanh thiếu niên, nguy cơ tạo ra một thế hệ nghiện nicotine mới. Nguy cơ sử dụng ma túy và các chất kích thích khác đồng thời với thuốc lá điện tử nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có sự tăng trưởng thương mại nhanh chóng và việc sử dụng các sản phẩm mới này phần lớn không được kiểm soát, với sự gia tăng sử dụng các trong giới trẻ. Do đó, Nhà nước không nên cho phép thí điểm sản xuất, quảng bá, phân phối các sản phẩm này.

Đề cập đến vấn đề này, chuyên gia Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, các quốc gia có những chính sách quản lý và đưa ra các quy định rất khác nhau đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Cơ chế pháp lý phải phụ thuộc vào hoàn cảnh, đặc điểm mỗi quốc gia, tình hình sử dụng thuốc lá và các yêu cầu phòng, chống tác hại thuốc lá của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy xu hướng cấm thuốc lá điện tử đang ngày càng gia tăng ở các nước.

Chuyên gia Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế 

Hiện nay, có 3 xu hướng chính về áp dụng chính sách đối với thuốc lá điện tử. Xu hướng thứ nhất, áp dụng quy định cấm mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu thuốc lá điện tử (hiện có 42 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng quy định cấm đối với thuốc lá điện tử). Xu hướng thứ hai, áp dụng quy định chỉ được bán thuốc lá điện tử dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn được điều trị theo phác đồ (hiện có 8 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng). Xu hướng thứ ba, áp dụng quy định cho phép bán thuốc lá điện tử như sản phẩm thuốc lá điếu thông thường nhưng quản lý chặt chẽ bằng các biện pháp kiểm soát nghiêm (hiện có 47 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng).

Chuyên gia cũng nêu rõ, hiện nay, Việt Nam chưa có chính sách cụ thể và khung pháp lý để quản lý thuốc lá mới. Do đó, các sản phẩm thuốc lá mới không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các cơ quan thực thi pháp luật khó áp dụng các chế tài được quy định trong Luật.

Đưa ra một số khuyến nghị chính sách đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, chuyên gia cho rằng, coi bảo vệ sức khỏe của người dân là ưu tiên hàng đầu và cân nhắc về các ảnh hưởng, tác động đối với kinh tế - xã hội, Chính phủ Việt Nam nên cấm sản xuất, kinh doanh, phân phối và ban hành chính sách thí điểm đối với thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử. Cho đến nay, vẫn chưa có đầy đủ bằng chứng về mức độ gây tác hại của sản phẩm này nên Chính phủ cần thận trọng và cân nhắc kỹ trước khi đưa ra chính sách quản lý. Tránh việc cho phép kinh doanh, sử dụng khi chưa được đánh giá tác động đầy đủ đến khi siết chặt rất khó khăn trong việc giải quyết các hậu quả bất lợi. Và cũng khó giảm nhu cầu sử dụng của người dân do thuốc lá mới là các sản phẩm gây nghiện và chưa có phương pháp cai nghiện hữu hiệu đối với các sản phẩm này.

Đồng thời, cũng cần ưu tiên đối với các chương trình y tế công cộng khác để hỗ trợ công tác phòng chống tác hại của thuốc lá và cần tập trung nguồn lực để hoàn thành mục tiêu chiến lược quốc gia về vấn đề này.

Hồ Hương