CẦN TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM NGUỒN KINH PHÍ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ DỰ PHÒNG

16/06/2023

Tại phiên thảo luận về chuyên đề giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, các đại biểu Quốc hội cho rằng, để công tác y tế dự phòng đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả, đạt được mục tiêu tiến tới một nền y tế Việt Nam công bằng và hiệu quả, đại biểu đề nghị tăng cường bảo đảm nguồn kinh phí cho y tế dự phòng đủ 30% ngân sách của ngành y tế theo tinh thần Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương.

PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Thảo luận ở hội trường về chuyên đề giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết, hệ thống y tế dự phòng đã đạt được những kết quả quan trọng. Công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm đã đạt được nhiều thành tựu, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được kiềm chế và đẩy lùi, đã tự chủ sản xuất được 9/11 loại vaccine dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Song, cũng phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, y tế dự phòng chỉ thực sự được quan tâm từ khi dịch COVID-19 xuất điện từ năm 2020 đến năm 2022. Nguồn ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID nên kinh phí đầu tư hiện đại hệ thống y tế dự phòng là rất khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ 

Giai đoạn 2018-2022 tỷ lệ chi cho y tế dự phòng trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho y tế tuy tăng dần qua các năm nhưng vẫn chưa đạt 30% so với quy định tại Nghị quyết 18 của Quốc hội và Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cụ thể, năm 2018 mới đạt 20,32% và năm 2022 đạt 28,62% nên không thể đảm bảo thực hiện hiệu quả hoạt động y tế dự phòng nói chung, nhất là chương trình tiêm chủng mở rộng, vì vậy mà tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine giảm liên tiếp, từ 94,8% năm 2018 xuống còn 80,4% năm 2022. Do vậy, nếu không quan tâm đầu tư thỏa đáng cho y tế dự phòng thì không thể tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, nâng cao sức khỏe cho người dân.

Để công tác y tế dự phòng đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả, đạt được mục tiêu tiến tới một nền y tế Việt Nam công bằng và hiệu quả, đại biểu đề nghị tăng cường bảo đảm nguồn kinh phí cho y tế dự phòng đủ 30% ngân sách của ngành y tế theo tinh thần Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương, nhất là các địa phương còn khó khăn về thu ngân sách, cho y tế dự phòng nói chung và chương trình tiêm chủng mở rộng nói riêng.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần phân bổ ngay gần 5.000 tỷ đồng và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân 14.000 tỷ đồng của chương trình phục hồi đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng để đáp ứng nhiệm vụ đặt ra đảm bảo tinh thần y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở nền tảng.

Cùng tham gia ý kiến về nội dung này, đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho biết, về y tế dự phòng, nguồn nhân lực phục vụ cho tế dự phòng chỉ đáp ứng được 42% phục vụ, trong khi đó tỷ lệ lao động ở Việt Nam của chúng ta là trên 55 triệu người. Hiện tại số làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm ngày một tăng. Đồng thời, đại biểu cũng băn khoăn về sự không thống nhất giữa các quy định về đào tạo, mô tả vị trí, chức năng nghề nghiệp cũng như các quy định liên quan đến vấn đề tổ chức hiện nay. Đại biểu lấy ví dụ, ở khoản 2 Điều 15 Nghị định 99/2019 quy định "không còn bằng bác sĩ y học dự phòng", trong khi thực tế hiện nay vẫn còn một số chức danh, vị trí nghề nghiệp ở trung tâm kiểm soát bệnh tật.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Trong dự thảo nghị định quy định về đào tạo đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe hiện đang xây dựng chưa đề cập đến đào tạo bác sĩ y học dự phòng là một chuyên khoa. Thực tế, bác sĩ y học dự phòng chúng ta vẫn chưa thực hiện đúng như các vị trí, chức năng nghề nghiệp mô tả, phạm vi hoạt động nghề nghiệp cũng bị bó hẹp và việc không cấp được chứng chỉ hành nghề cho những chuyên khoa dự phòng, như dinh dưỡng. Chưa kể đến những bất cập các đại biểu đã trình bày và trong báo cáo cũng thể hiện rõ về vấn đề cơ chế tài chính và vấn đề chính sách thu hút nguồn nhân lực, về vấn đề đầu tư cho trang thiết bị, cơ sở vật chất. Khách quan mà nhìn nhận, chúng ta đã nỗ lực rất lớn để thực hiện đúng y tế dự phòng là then chốt nhưng nỗ lực của chúng ta hiện tại y tế dự phòng vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân trong một tình thế rất cấp bách là chúng ta chịu ảnh hưởng an ninh phi truyền thống về vấn đề bệnh tật, về mô hình bệnh tật cũng đã có sự thay đổi.

Để giải quyết vấn đề này, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, địa phương đồng bộ thực hiện tốt các giải pháp. Đầu tiên là công tác tuyên truyền, tăng cường để cả hệ thống chính trị, nhất là người dân hiểu được tầm quan trọng của y tế dự phòng và tự bản thân mình phải biết được các nguy cơ dẫn đến bệnh truyền nhiễm và đặc biệt là bệnh không lây nhiễm thì chỉ có khi nào tự mình kiểm soát, tự mình quản lý sức khỏe của mình thì đây là một kênh rất quan trọng, giải pháp quan trọng đầu tiên.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống bệnh không lây nhiễm mà hiện tại chúng ta vẫn còn những khoảng trống. Ví dụ như là chưa chú trọng tổng thể tới công tác phòng bệnh, thiếu các quy định về đảm bảo dinh dưỡng cộng đồng, chính sách tăng cường vận động thể lực cho người dân và đại biểu kiến nghị sửa đổi một số bộ luật có liên quan, Luật Bảo hiểm y tế, Luật An toàn thực phẩm và thực hiện những đề án mà chúng ta cũng đã và đang làm tăng cường đó là đề án về tăng cường vận động thể lực cho người dân.

Ngoài ra, liên quan đến chính sách thu hút nguồn nhân lực từ khâu đào tạo, từ khâu tuyển dụng, tuyển dụng từ khâu quản lý và sử dụng, cần quy định chặt chẽ về văn bằng, chứng chỉ và quy định về đào tạo, quy định cả về chính sách như thế nào để đội ngũ này yên tâm làm công tác và hoàn thành tốt thiên chức của mình.

Minh Hùng

Các bài viết khác