Sau bài phát biểu khai mạc phiên họp thứ 33, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, sáng 20/8, các thành viên của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại phiên họp, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu tập trung làm rõ vị trí, tính thống nhất của Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật. Tuy nhiên, còn một số đại biểu cho rằng, vị trí của Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng trong hệ thống pháp luật hiện hành chưa rõ.
Liên quan đến trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, đa số đại biểu tán thành với Dự thảo Luật khi xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong cả 3 giai đoạn trước, trong và sau khi giao dịch với người tiêu dùng. Còn đối với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, không phải đăng ký kinh doanh, có ý kiến cho rằng, hiện nay hoạt động kinh doanh này rất phổ biến nên phải có biện pháp cụ thể để bảo vệ người tiêu dùng. Về vấn đề này, Ban soạn thảo Dự án Luật tiến hành chỉnh sửa theo hướng tăng quyền hạn cho Uỷ ban cấp xã, ban quản lý chợ có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết theo điều kiện cụ thể trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần phải phát huy vai trò của hiệp hội, các tổ chức. Những nhà sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ, có người đảm bảo đúng pháp luật và tôn trọng lợi ích người tiêu dùng, nhưng không ít người chạy theo mục tiêu lợi nhuận, gây thiệt hại rất nhiều cho người tiêu dùng. Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng ra đời là rất cần thiết và phù hợp với tình hình hiện nay.
Về nội dung và trách nhiệm quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí sự cần thiết phải xác định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề là trách nhiệm cụ thể ở mức độ nào. Nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của từng Bộ, UBND các cấp trong các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng. Một số ý kiến đề nghị chỉ xác định nội dung quản lý Nhà nước, trách nhiệm cụ thể của cơ quan thay mặt Chính phủ và trách nhiệm chung của các Bộ, ngành, địa phương trong việc bảo vệ người tiêu dùng, nhất là Hội Bảo vệ người tiêu dùng.
Chiều cùng ngày, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị của Chính phủ về việc ký và phê chuẩn Công ước Lahay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế./.