Hội thảo Đại biểu dân cử khu vực Đồng bằng sông Hồng với chính sách, pháp luật y tế

20/08/2010

Trung tuần tháng 8, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Đại biểu dân cử khu vực đồng bằng sông Hồng với chính sách, pháp luật y tế.

Hội thảo đã nghe và thảo luận về 3 chuyên đề: Thuốc lá và đói nghèo, Thực hiện Nghị quyết số 18 của QH về xã hội hóa y tế và chính sách phòng, chống HIV/AIDS.

Tại Việt Nam, mỗi năm, ngành công nghiệp thuốc lá đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 6.000 tỷ đồng. Song, ngược lại chi phí dành cho điều trị các bệnh liên quan tới thuốc lá cũng rất lớn. Theo nghiên cứu của Trường Đại học Y tế cộng đồng, năm 2006, riêng chi phí điều trị cho các bệnh thường gặp liên quan tới thuốc lá vào khoảng 1.160 tỷ đồng. Các đại biểu tham dự Hội thảo đều nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trong đó chú trọng đến các biện pháp giảm nguồn cung thuốc lá; bổ sung biện pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, chuyển đổi hoạt động sản xuất cho người lao động trong ngành sản xuất và kinh doanh thuốc lá. Bộ Y tế cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt các vi phạm trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá vì mức độ xử phát hiện nay còn nhẹ và chưa đầy đủ...

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 18 của QH, Bộ Y tế đã chủ trì soạn thảo một số dự án luật và vừa được QH thông qua như: Luật Bảo hiểm Y tế; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật An toàn vệ sinh thực phẩm... Ghi nhận những nỗ lực này, nhiều đại biểu đề nghị, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục điều chỉnh, ban hành khung giá thu viện phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp phục vụ người bệnh; ban hành khung định mức ngân sách cho hệ y tế dự phòng; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở xã, phường.

Theo thống kê của Cục phòng, chống HIV/AIDS, tính đến ngày 31.12.2009, nước ta đã phát hiện người nhiễm HIV tại hơn 70% xã, phường; hơn 97% quận, huyện và 63/63 tỉnh, thành phố. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, dịch HIV ở nước ta vẫn trong giai đoạn dịch tập trung. Trước mắt, Bộ Y tế cần tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, đầu tư cơ sở vật chất cho các tuyến xã, huyện; thống nhất việc thực hiện phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương; các cấp, các ngành cần tăng dần mức đầu tư và huy động nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS…

 

Lệ Thủy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)

Các bài viết khác