Tham gia phiên họp còn có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn; đại diện thành viên Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cùng các thành viên Ủy ban Pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày Tờ trình của Chính phủ Ảnh: Đình Nam
Trình bày tờ trình của Chính phủ về việc thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành lập thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, việc thành lập 04 phường và thành phố Sầm Sơn là cần thiết và đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói chung và thị xã Sầm Sơn nói riêng.
Các xã Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh là 04 trong 11 đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Sầm Sơn có vị trí liền kề với các phường nội thị của thị xã và giáp ranh với thành phố Thanh Hóa. Trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội của các xã này đã có bước phát triển mạnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp; thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch đề ra; công tác văn hóa- xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao. Trên địa bàn các xã tập trung nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, doanh nghiệp, trường học và dự án tạo sự chuyển biến trong quá trình phát triển đô thị, từng bước hình thành lối sống đô thị. Những thay đổi về kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa đã, đang đặt ra cho các xã này nhiều vấn đề cần thiết trong quản lý như quản lý kinh tế, quy hoạch xây dựng, kiến trúc, kết cầu hạ tầng kỹ thuật, dân cư, phòng chống tệ nạn, bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan và bảo vệ môi trường. Vì vậy mô hình quản lý chính quyền nông thôn như hiện nay không còn phù hợp và cần thiết các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị.
Bên cạnh đó, thị xã Sầm Sơn, là đô thị ven biển về phía Đông của tỉnh Thanh Hóa; là trung tâm du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng nổi tiếng của tỉnh và cả nước; là đầu mối giao thông quan trọng giữa thành phố Thanh Hóa với các huyện đồng bằng ven biển, giữa tỉnh Thanh Hóa với cả nước trên trục đường Bắc – Nam. Trong những năm qua, thị xã Sầm Sơn đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm giai đoạn 2014-2016 đạt 18,27%; tổng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2016 đạt 2.569 tỷ đồng. Quyết định số 201/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030 đã định hướng xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch quốc gia; tại Quyết định số 2623/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020, thị xã Sầm Sơn cũng được quy hoạch là thành phố thuộc tỉnh đến năm 2020. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Sầm Sơn lần thứ XVI đã xác định ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng thị xã Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch quốc gia, là mục tiêu để Đảng bộ và nhân dân thị xã Sầm Sơn trở thành thành phố đáng sống với chức năng chính là du lịch, dịch vụ mang thương hiệu đẳng cấp quốc gia và quốc tế.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, việc thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh và thành lập thành phố Sầm Sơn đã bảo đảm các điều kiện quy định theo Luật tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình phát triển đô thị của thị xã, góp phần vào việc nâng cao tỷ lệ đô thị hóa của thị xã Sầm Sơn nói riêng và cả tỉnh Thanh Hóa nói chung; tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị, bảo đảm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương…
Các xã Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh đã đạt đủ 03/03 tiêu chuẩn thành lập phường thuộc thị xã gồm quy mô dân số; cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị. Thị xã Sầm Sơn đã đạt 03/04 tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh gồm quy mô dân số, loại đô tị, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, chưa đạt tiêu chuẩn tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã. Tuy nhiên, sau khi thành lập 04 phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh, thị xã Sầm Sơn sẽ đạt đủ 04/04 tiêu chuẩn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung trình bày báo cáo nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật
Trình bày báo cáo nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trần Thị Dung cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa. Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy việc thành lập các 04 phường này và thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa là nhu cầu khách quan, phù hợp với các quy hoạch chung, tạo điều kiện phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của thị xã Sầm Sơn; tạo động lức to lớn đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực Bắc Trung Bộ. Bên cạnh đó, việc thành lập mới 04 phường và thành phố Sầm Sơn không tăng đơn vị hành chính do đó không làm tăng tổ chức biên chế cán bộ, công chức cấp huyện, xã.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hiện có của thị xã Sầm Sơn để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn đô thị. Ngoài ra, trong tình hình nợ công cao, ngân sách nhà nước hạn hẹp, Chính phủ và địa phương cần phải có giải pháp cụ thể và thích hợp để khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng; kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư; khai thác quỹ đất, thực hiện tốt chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, huy động sự đóng góp của nhân dân, xã hội hóa trong thực hiện các dự án ở cơ sở.
Thảo luận tại phiên họp, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng yên, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Trần Văn Quý cho rằng đề án này là việc tích hợp của hai đề án (gồm đề án thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và đề án thành lập thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa). Việc xây dựng và thực hiện hai đề án này cùng lúc là hơi vội vàng. Theo đại biểu Trần Văn Quý, cần thực hiện thành lập 04 phường thuộc thị xã Sầm Sơn trước. Trên cơ sở kết quả thực hiện đề án này, có sự đánh giá, tổng kết thực tiễn mới xem xét tiếp tục nâng cấp thị xã Sầm Sơn lên thành phố.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sĩ Cương phát biểu tại phiên họp
Bày tỏ ủng hộ chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho các địa phương phát triển, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sĩ Cương cũng đề nghị cần cân nhắc và có phân tích, đánh giá thực hiện tổ chức bộ máy nhân sự đáp ứng chủ trương tinh giản biên chế; vấn đề nguồn vốn thực hiện đề án, tỷ trọng các nguồn vốn đầu tư để hoàn thiện hồ sơ báo cáo trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.